Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

ĐỀ: THUYẾT TRÌNH TÁC PHẨM “TRUYỆN LỤC VÂN TIÊN”



A.    TÁC GIẢ - TÁC PHẨM

-  Phần giới thiệu về tác giả và tác phẩm: xem sách giáo khoa.

-  Bổ sung: “Lục Vân Tiên” ra đời vào khoảng đầu những năm năm mươi của thế kỷ XIX, và ngay lập tức, nó được đồng bào Nam bộ tiếp nhận nồng nhiệt. Từ một truyện thơ chỉ được truyền miệng và chép tay, lưu hành trong đám môn đệ và bè bạn của nhà thơ Đồ Chiểu, “Lục Vân Tiên” đã nhanh chóng được truyền bá khắp chợ cùng quê, đến với những người biết chữ và cả những người không biết chữ.

     Hãy nghe một câu hò mái nhì Trị Thiên:

“Lòng lại dặn lòng, dầu non mòn biển cạn
Dạ lại dặn dạ, dầu đá nát vàng nhòa
Em đây quyết noi gương chị Nguyệt Nga
Mặc ai phỉnh dỗ, em chẳng sai lời nguyền”.

B.     TÓM TẮT TRUYỆN

 -   Xem sách giáo khoa

C.     GIÁ TRỊ TÁC PHẨM

1.  Giá trị nội dung:

-  Truyện ca ngợi những con người trung hiếu, tiết nghĩa. Ngay mở đầu tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu đã viết:

“Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”.

Đó là tâm niệm suốt cả cuộc đời của nhà thơ mù lòa Nguyễn Đình Chiểu. Tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng quên mình để cứu khốn phò nguy, bênh vực những con người yếu đuối, bất hạnh, người anh hùng trong tác phẩm “Lục Vân Tiên” dám chiến đấu để chống lại các ác, cái xấu, cái bất nhân phi nghĩa, bênh vực những con người thấp cổ, bé họng, bị chà đạp bởi cường quyền, bạo lực. Bước vào tác phẩm, chàng trai Lục Vân Tiên đã chinh phục tình cảm yêu mến và cảm phục của người đọc bằng một hành động nghĩa hiệp, cứu nhân độ thế. Đang trên đường về thăm cha mẹ trước khi tới trường thi, Vân Tiên gặp cảnh nhân dân phải chạy giặc cướp rất khốn khó. Chàng đã “nổi giận lôi đình”:

“Tôi xin ra sức anh hào
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này”.

Vân Tiên đã không tính toán thiệt hơn, một mình “bẻ cây làm gậy”, “tả xung hữu đột” vào đám cướp đánh tan “lũ kiến chòm ong”, cứu Kiều Nguyệt Nga và cô hần Kim Liên thoát khỏi bàn tay hung bạo. Chàng trai “tuổi vừa hai tám” dẫu chưa gặp “hội long vân”, đã có dịp thi thố tài năng cứu đời, giúp người, đáng mặt trang hiệp sĩ. Đến khi đỗ trạng nguyên, Vân Tiên lại “Lãnh cờ bình tặc phá thành Ô Qua” để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân. Hình ảnh người anh hùng lúc này thật lẫm liệt, oai phong:

“Vân Tiên đầu đội kim khôi
Tay cầm siêu bạc mình ngồi ngựa ô”

Giữa Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên, sự gắn bó lại khởi phát từ tình nghĩa. Nguyệt Nga là người chịu ơn Vân Tiên, cái ơn đã cứu cả cuộc đời con gái của mình khỏi tay bọn cướp. Từ ân nghĩa, Nguyệt Nga cảm mến cái đức, cái tài của Vân Tiên. Ở đời đâu dễ gặp những chàng trai vẹn toàn như thế ! Và tình yêu nảy nở như một lẽ đương nhiên. Nó sâu nặng trong lòng nàng:

Chữ tình càng tưởng càng thâm
Muốn phai khó lợt, muốn dằm không phai

Nó kết tinh thành một chi tiết nghệ thuật trở đi trở lại nhiều lần trong tác phầm là bức hình Vân Tiên mà Nguyệt Nga đã vẽ bằng trí tưởng tượng trong giờ phút “chạnh lòng cố nhơn”. Không có lễ giáo nào buộc Nguyệt Nga phải thủ tiết với Vân Tiên, chỉ ân tình ấy đã giúp nàng đủ sức vượt qua mọi thủ thách, kể cả cái chết để giữ trọn lời thề với chính lòng mình:

“Trăm năm thề chẳng lòng phàm
Sông Ngân đưa bạn, cầu Lam rước người
Thân con còn đứng giữa trời
Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi.”

Còn Vân Tiên, vốn tính khảng khái “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”, chàng đã từ biệt cô gái đẹp mình vừa cứu thoát ra đi một cách thanh thản, vô tư. Nhưng khi được biết rõ tấm lòng Nguyệt Nga, Vân Tiên rất cảm kích. Lúc này chàng trở lại là người chịu ơn bởi Nguyệt Nga đã chu toàn cho cha già khi mình vắng mặt:

“Nhờ nàng nên mới ra bề
Chẳng thì khó đói bỏ quê đi rồi”

Gặp lại Nguyệt Nga, Vân Tiên - khi đó đã là bậc Quốc trạng triền đình - vẫn quỳ vái nàng ba lạy:

“Để lời thệ hải minh sơn
Mang ơn trước phải đền ơn cho rồi”

rồi sau đó mới cùng nhau “Kiệu vàng tán bạc hiển vinh về nhà”. Quả là trọn nghĩa vẹn tình, đâu phải chỉ người đàn bà mới có bổn phận thủy chung ! Lục Vân Tiên và Kiền Nguyệt Nga không được miêu tả như một cặp tài tử - giai nhân với tất cả những rung động của trái tim khao khát yêu thương, mà tác giả hướng về đạo vợ chồng, cái nghĩa đá vàng sâu nặng, dầu vật đổi sao dời cũng không hề thay đổi. Đó chính là tính chất nhân dân bình dị của truyện “Lục Vân Tiên”.

Trong văn học trung đại Việt Nam, có một loại văn chương thường truyền dạy những bài học đạo đức cho con người. Lẽ tất nhiên, muốn đạt tới giá trị văn chương, nó phải được khơi nguồn bởi những cảm hứng đạo đức mãnh liệt tận trong cõi lòng của tác giả. “Lục Vân Tiên” là trường hợp như vậy.

-  Truyện còn đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng giúp đỡ người khốn khó. Qua đó tác giả kính đáo thể hiện thái độ yêu thương, bênh vực trước những số phận đau khổ.

Khác với Vân Tiên, Hớn Minh chỉ là nhân vật phụ, xuất hiện có ba lần trong tác phẩm với những dòng thơ ngắn ngủi. Nhưng Hớn Minh lại là nhân vật mang dáng vẻ riêng mà người dân Nam bộ đặc biệt yêu thích:

“Đi vừa tới huyện Loan Minh
Gặp con quan huyện Đặng Sinh là chàng
Giàu sang, ỷ thế nghinh ngang
Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì
Tôi bèn nổi giận một khi
Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò”.

Đơn giản thế thôi mà hào hiệp nghĩa khí biết bao ! Hớn Minh muốn dùng sức mạnh của chính mình để chặn đứng những điều xấu, điều ác, bênh vực con người yếu đuối, bất hạnh. Hớn Minh là mẫu người hành động kiên quyết, quả cảm, thấy việc nghĩa là làm, không cần tính toán thiệt hơn. Không muốn liên lụy ai, Hớn Minh “Bó tay chịu trói nộp cho huyện đàng”, rồi sau đó mới vượt ngục, sống “mai danh ẩn tích” ở trong rừng. Lần thứ ba, Hớn Minh cùng sát cánh bên Vân Tiên chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cứu nạn nước, rồi sau đó cùng Vân Tiên vinh hiển.

Đó còn là hình ảnh Ông Ngư. Bị Trịnh Hâm đẩy xuống sông, Vân Tiên được ngư ông vớt lên, và cả cái gia đình dân chài đã cứu sống chàng với một tình thương chân thành mộc mạc:

“Hối con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày”

 Còn nhân vật Ông Tiều thì cũng sẵn sàng giúp đỡ kẻ khó khăn. Ông đã cứu Vân Tiên khi mắc nạn ở hang núi Thương Tòng. Ông đã tự bộc bạch về mình:

“Già hay thương kẻ khó khăn
Thôi thôi để lão dắt ngay về nhà”

Sự tráo trở của cha con Võ Công còn giúp Vân Tiên hiểu rõ thêm một người bạn quý: chàng Vương Tử Trực trọng nghĩa khinh tài. Thầy Cử tân khoa vừa vinh quy bái tổ là sang ngay nhà họ Võ để hỏi thaăm tin bạn. Vừa thương bạn, vừa giận kẻ bạc tình, Tử Trực quyết không lỗi đạo “Chị dâu em bạn dám đâu lỗi nghì”, lại lớn tiếng mắng thẳng vào mặt bọn người phản phúc:

“Mồ chồng ngọn cỏ còn tươi
Lòng nào mà nỡ buông lời nguyệt hoa
Hổ hang vậy cũng người ta
So loài cầm thú thật là khác chi”

Tấm lòng ngay thằng, trung trực ấy khiến kẻ bạn ác là Võ Công phải hổ thẹn đến mắc bệnh mà chết.

Đó còn là nhân vật tiểu đồng: Lo lắng thuốc thang cho Lục Vân Tiên. Tưởng Lục Vân Tiên chết thật, tiểu đồng khóc lóc thương tiếc, xới một bát cơm và một quả trứng đặt trên ngôi mộ “giả” của chủ. Đọc truyện ta làm sao quên được hình ảnh bà lão - người đã cưu mang, đùm bọc, nuôi nấng Nguyệt Nga, coi Nguyệt Nga như là con gái. Tấm lòng của bà lão không hề biểu hiện sự ban ơn. Đó cũng là biểu hiện tấm lòng rộng mở của nhân dân trong mối quan hệ đồng bào “Lá lành đùm lá rách”.

-  Truyện tố cáo, lên án những cái ác, cái xấu trong xã hội. Những trang thơ Lục Vân Tiên là hình ảnh sống động của cái xã hội ấy. Triều đình hèn yếu, giặc đến không chống đỡ nổi, phải cậy đến sự hi sinh của một người con gái để mong “Phiên vương ưng dạ ắt là bãi binh”. Quan thái sư đương trào đâu có lo việc nước, việc dân, chỉ chăm chăm “nhớ việc cửa nhà” mà xúc xiểm nhà vua “đưa con gái tốt giao hòa thời xong”. Các cậu công tử con quan thì càn rỡ như con trai quan huyện Đặng Sinh:

“Giàu sang, ỷ thế nghinh ngang
Gặp con gái tốt cưỡng gian không nghì”

Bạn bè thì bất nhân như Trịnh Hâm, đan tâm xô bạn xuống sông để thỏa lòng đố kị, bất nghĩa như Bùi Kiệm, dám tán tỉnh và cưỡng duyên với chính vợ của bạn mình. Ông quan hưu trí họ Võ cùng cô con gái Thể Loan nỡ lòng hãm hại chàng rể đui mù để săn đón “thầy cử tân khoa” Vương Tử Trực…

-  Tác phẩm thể hiện ước mơ, khát vọng của người dân hương tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời. “Lục Vân Tiên” có kết cấu thông thường của các truyện Nôm, nghĩa là một kết cấu có hậu. Những người tốt, dẫu bị vùi dập oan trái, nhưng bao giờ cũng được phù trợ. Lực lượng phù trợ thường là những con người nhân đức, hào hiệp. Gặp khi nguy cấp mà sức người khó đương  thì lại xuất hiện những lực lượng siêu nhiên huyền bí như Tiên, Phật, thần thánh… Vân Tiên khi bị xô ngã xuống sông đã được “Giao long dìu đỡ”, bị bỏ vào hang Thương Tòng lại được “Du thần” đưa ra cửa rừng, rồi được Tiên ông cho thuốc sáng mắt. Tiểu đồng bị trói ở “bốn bề rừng hoang” đã được Sơn quân “Căt dây mở trói cõng lên ra đàng”. Nguyệt Nga nhảy xuống sông tử tiết lại được “Quan Âm thương đứng thảo ngay”, đưa nàng vào vườn hoa nhà họ Bùi. Cuối cùng họ đều được đền trả xứng đáng:

“Trăm năm biết mấy tinh thần
Sinh con sau nối gót lân đời đời”

Còn những kẻ bạc ác bất nhân, dẫu nhất thời có công danh phú quý, nhưng rồi đều bị trừng trị thích đáng. Thái Sư bị “cách chức về nhà làm dân”, Trịnh Hâm và mẹ con Võ Thể Loan tuy được Vân Tiên tha tội chết, nhưng “trời không dung” nên Trịnh Hâm đã bị “ngọn sóng thần nổi dậy” nhấn chìm thuyền, gửi thân nơi bụng cá, còn mẹ con Thể Loan về đến cửa rừng lại bị cọp bắt “Đem vào lại bỏ trong hang Thương Tòng”. Đọc truyện “Lục Vân Tiên”, người dân miền Nam, người dân Lục tỉnh thấy mình trong đó. Càng thấy mình trong đó thì càng thích đọc Đồ Chiểu và Lục Vân Tiên. Cho đến nay, một thế kỷ rưỡi trôi qua, những quan niệm về con người, về đạo lý đã có nhiều biến cải, nhưng cái cốt lõi nhân bản của mỗi dân tộc vẫn có những sợi chỉ đỏ xuyên suốt mà không hề đứt đoạn. Một trong những sợi chỉ đó đó phải kể đến tác phẩm “Lục Vân Tiên” với vẻ đẹp cao quý và trong sáng của đạo đức nhân dân. Cốt lõi nhân bản ấy làm nên sức sống trường tồn của tác phẩm.

2.  Giá trị nghệ thuật:

- Đây là tác phẩm mang tính tự thuật đặc sắc.

- Ngôn ngữ mộc mạc bình dị mang đậm màu sắc Nam bộ. Viết văn ông chú trọng đến ý nghĩa nhiều hơn hình thức câu văn. Nhưng thỉnh thoảng truyện có chen vào vài đoạn trang nhã, dịu dàng, có cốt cách quý phái:

“Thưa rằng: Quân tử phó công
Xin thương bồ liễu chữ tòng ngây thơ
Tấm lòng thương gió nhớ mưa
Đường xa nghìn dặm xin đưa một lời”

Nếu cần sử dụng những từ ngữ hoa mỹ, ông cũng rất mực chau chuốt trong câu chữ. Nhưng vì mục đích giáo hóa ông có ý dùng một giọng điệu không quá cao đối với trình độ bình dân, do đó tác phẩm “Lục Vân Tiên” rất dễ được phổ thông và lũy tre bờ ruộng ngày nay, nhất là ở miền Nam, ta vẫn còn thoang thoảng được nghe vang dậy những lời thơ gióng giả nhiệt thành của nhà nho Nguyễn Đình Chiểu:

“Trai thòi trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật rất gần với truyện cổ dân gian.


KẾT LUẬN

Yêu thương nhân dân và hiểu rõ những giá trị tinh thần ẩn chứa trong tâm hồn những người dân thường lam lũ, vất vả, chịu nhiều bề áp bức, Nguyễn Đình Chiểu đã vung bút thay gươm, chiến đấu cho đạo đức được vãn hồi, cho lẽ công bằng được thực hiện, cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn. Đối với đương thời và đối với cả hàng trăm năm sau nữa, “Lục Vân Tiên” vẫn là một tác phẩm văn chương mang tính nhân bản sâu sắc, là sản phẩm quý báu của một thuở đã qua mà người đời sau trân trọng gìn giữ. Và Nguyễn Đình Chiểu - người đã sáng tạo nên “bản trường ca” bất hủ đó - xứng đáng là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, là con người “có cái trí để hiểu biết, có cái tâm để yêu thương, có cái tài để thực hiện” như cố thi sĩ Xuân Diệu đã nhận xét.

Charles.Hieu
“Phân tích riêng cho con, Minh Phúc”


2 nhận xét: