Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

CHÚC XUÂN

KÍNH CHÚC QUÝ ANH EM BẠN HỮU MỘT NĂM MỚI
TRÀN ĐẦY NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC !!! 

 
VUI TRONG SỨC KHOẺ, TRẺ TRONG TÂM HỒN


Charles.Hieu

VÌ SAO RỒNG PHẢI BỎ ĐI ?


Ngày đó, cuộc sống của muông thú trong rừng đã bị nhiều xáo trộn, rừng bị tàn phá, thú rừng bị diệt vong dần dần. Là người cai quản thiên hạ, Ngọc Hoàng hiểu rằng không sớm thay đổi thì rừng sẽ bị mất. Vì thế, Ngọc Hoàng đã quyết định cử Rồng xuống để cai quản muông thú. Nghe tiếng Rồng thì ai cũng vị nể, Rồng có nhiều tài năng, lại có uy nghi lẫm liệt, nếu Rồng xuống cai quản rừng thì mọi việc chắc chắn sẽ được cải thiện.

Nhưng người lo nhất việc Rồng xuống lại chính là Cọp - chúa sơn lâm đang cai quản khu rừng hiện tại. Cọp hiểu, với tài năng của Rồng, không sớm thì muộn, muông thú sẽ quay ra phục tùng Rồng, chức danh Chúa sơn lâm của Cọp coi như sẽ bị mất. Bởi thế, ngày đêm, khi muông thú chờ đợi sự xuất hiện của Rồng thì Cọp lại âm thầm nghĩ kế nhằm giữ được cái ghế bổng lộc bao năm qua của mình.

Thế rồi Cọp cũng nghĩ ra một cách. Hôm đó, trước khi Rồng xuống, Cọp bèn họp tất cả bộ sậu của mình lại. Trước cuộc họp, Cọp dõng dạc tuyên bố:

- Hôm nay, ta thừa lệnh Ngọc Hoàng chính thức tuyên bố từ ngày mai, Rồng sẽ xuống làm việc tại khu rừng của ta. Lẽ ra Rồng sẽ thay ta giữ chức Chúa sơn lâm, nhưng do Rồng mới chân ướt chân ráo xuống, chưa biết gì nhiều, nên trước mắt, ta sẽ giao cho Rồng tạm thời giữ một chức vụ trong các đội. Cụ thể, Rồng có khả năng hút nước, nên ta giao cho làm đội trưởng đội phun nước thay cho Voi được hay không?

Nghe thế, Voi - đội trưởng đội phun nước vội phủ phục:

- Thưa Chúa sơn lâm! Tôi nghĩ đội phun nước của tôi từ trước đến nay làm ăn rất ổn định, chưa có vi phạm gì lớn. Vậy thì việc gì phải có thêm thành viên mới vào làm chi?

Cọp gật đầu đồng tình rồi lại hỏi:

- Hay là ta cho Rồng vào với đội bay, Rồng có khả năng bay rất tốt, về đó chắc hẳn cũng rất phù hợp?

Đại bàng - đội trưởng đội bay nghe thế vội vã lên tiếng:

- Rồng tuy bay được nhưng chưa chắc gì bay giỏi được như chúng tôi. Vì thế đưa Rồng về chỗ chúng tôi e cũng không được mọi người khâm phục.

- Hay là Rồng có khả năng phun lửa, trườn, bò... ta cho Rồng về đội bò sát? - Cọp lại hỏi.

Con trăn - đội trưởng đội bò sát nghe vậy phun phì phì lắc đầu lia lịa:

- Tôi nghĩ cũng không phù hợp. Đội bò sát phải giỏi luồn lách, chui rúc. Mà Rồng thì uy nghi lẫm liệt như thế sao có thể về chỗ tôi được?

...

Rốt cuộc tất cả các đội đều không đồng tình nhận Rồng về vì sợ Rồng sẽ chiếm mất chỗ. Đến lúc đó, Cọp mới tung chiêu:

- Như vậy trong các đội của ta, Rồng không thể có được một chỗ nào xứng đáng với tài năng. Theo tôi, chúng ta nên xây dựng thêm một đội nữa, như là Đội xây dựng chiến lược chẳng hạn, để cho Rồng về làm đội trưởng. Nếu làm  một thời gia mà phù hợp, tôi hứa sẽ nhường chức Chúa sơn lâm này cho Rồng. Mọi người có đồng ý không?

Câu nói của Cọp được mọi thành viên trong cuộc họp nhất trí và cùng ký vào đề xuất gởi lên thiên đình.

Thế là từ hôm đó, trong khu rừng có thêm một đội nữa mang cái tên rất hay: Đội xây dựng chiến lược do Rồng làm đội trưởng. Tuy cái tên rất hay vậy, nhưng thực ra công việc chẳng có gì để làm. Một mình làm đội trưởng mà chẳng có lính, Rồng tự nghĩ ra mọi việc, nhưng chẳng việc gì được Cọp đồng ý. Lúc thì Cọp hứa từ từ sẽ thực hiện việc này việc nọ, lúc thì Cọp lại viện cớ tại nọ tại kia để Rồng không làm được việc gì. Đề xuất kiến nghị mãi cũng chán, cuối cùng Rồng phải chấp nhận trở thành một đội trường như tất cả các đội trưởng khác ở rừng: "Sáng vác ô đi tối vác về"; suốt ngày trà thuốc để giết thì giờ.

Được một thời gian thì rồng chán, nghĩ lại tài năng của mình đang bị bỏ phí, Rồng đành xin với Ngọc Hoàng cho chuyển đi chỗ khác, bao dự tính, kế hoạch dành cho phát triển rừng, đành bỏ lại cho rừng xanh.

Và từ đó, ở rừng xanh vắng bóng Rồng. Tuy nhiên uy tín, tài năng tiềm ẩn của Rồng vẫn được muôn loài nhắc mãi dù chưa ai thấy được mặt Rồng.

HỮU QUÂN

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

CÁI BẪY CHUỘT

 Một chú chuột nhìn qua khe tường, để ý thấy vợ chồng chủ nhà đang loay hoay mở cái hộp to. Chú nhủ thầm không biết trong đó đựng gì: bơ sữa, thịt bánh? Chú bàng hoàng suýt té ngửa khi thấy chủ nhà lấy ra một chiếc bẫy chuột thật to. Chú run rẩy, lần mò chạy ra phía sau trang trại và nói to cho các gia súc nghe:

- Các bạn ơi, chủ nhà vừa mua một cái bẫy chuột. Cái bẫy to lắm!

Cặp vợ chồng gà vẫn nhẩn nha nhặt thóc, cục tác vài tiếng rồi đáp:

- Xin lỗi chú, chúng tôi thông cảm vì đó là mối quan tâm sinh tử của chú. Nhưng việc gì đến chúng tôi. Xin chú đừng quấy rầy nữa, và hãy để chúng tôi yên.

Chú chuột rầu rĩ quay sang than khóc với bác lợn:

- Bác lợn ơi, có một cái bẫy chuột trong nhà. Cháu lo lắm.

Bác lợn tỏ ý cảm thông nhưng chỉ trả lời:

- Tôi biết làm sao bây giờ. Tôi sẽ nhớ đến chú trong kinh nguyện hàng ngày của tôi.

Chú chuột bèn chạy đến cô bò đang chậm rãi nhai cỏ. Cô bò phán:

- Cái anh này lạ chưa, việc ấy có liên can gì đến tôi mà tôi phải bận tâm.

Chú chuột buồn bã bỏ đi. Bây giờ chú biết phải tìm cách đối phó với cái bẫy một mình. Đèn nhà ai nấy sáng! Việc của chú, chú phải tự lo. Ngay đêm đó, trong nhà có tiếng bẫy sâp. Bà chủ vội vã chạy ra để xem xét sự tình. Trong đêm tối bà không biết là biết bẫy đã sập vào đuôi một con rắn độc. Con rắn đã cắn người vợ. Sau đó người chồng vội vã đưa bà đến bệnh viện, bà trở về nhà với cơn sốt miên man.

Trong thời gian bà lên cơn sốt vì nọc độc, người chủ giết cặp gà để nấu cháo cho vợ ăn. Bịnh tình bà trở nên trầm trọng, hàng xóm đến chăm sóc, phụ giúp gia đình. Chủ nhà giết chú lợn để đãi khách.

Người vợ vẫn ốm, bệnh tình dường như nặng thêm, vậy là bạn bè và láng giềng kéo đến thăm bà suốt ngày. Để tỏ lòng cám ơn và thết đãi họ, người chồng giết bác lợn.

Nhưng người vợ vẫn không khoẻ hơn, và cuối cùng bà đã chết. Mọi người kéo tới dự đám tang và người chồng chỉ có duy nhất cô bò để thết đãi bạn bè, láng giềng trong ngày tang lễ. Người nông dân  quyết định mổ nốt cô bò.

Chú chuột nhìn qua khe hở của bức vách với nỗi buồn vô hạn.

***

Tất cả chúng ta đang đồng hành trên chuyến hành trình mang tên Cuộc Đời. Hãy để mắt tới mọi người, nhất là những người kém may mắn và bị thiệt thòi nhất. Hãy sẵn sàng chia sẻ với họ.

Bạn và gia đình đang sống bình an. Nhà hàng xóm bị cướp. Không can chi... vì nhà bạn xây cất kiên cố, có rào cao, cổng chắc, có chó dữ canh gác, có hệ thống báo động tối tân. Hãy coi chừng, nhà bạn sắp trở thành nạn nhân kế tiếp, không sớm thì muộn. Số phận của gia đình bạn sẽ giống như cặp vợ chồng gà nếu bạn chỉ biết lo cho bản thân mình, gia đình mình và để mặc chuyện  thế sự cho người khác giải quyết.

Khi cái bẫy được trong nhà thì vấn đề không phải là của riêng ai, mà là của mọi người cùng chung sống dưới mái nhà đó. Cho nên, chỉ có một cách, và là cách duy nhất...

(cho ý kiến nhé, các bạn của tôi...)

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

HÀNH TRÌNH ĐÁ ONG

Suốt chặng đường dài mấy trăm cây số vùng trung du Bắc bộ, đâu đâu người ta cũng gặp những ngôi làng cổ đỏ rực xây bằng đá ong. Trải qua mọi cuộc bể dâu, những bức tường đá ong vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.


Lớp đất đá bazan dầy hàng trăm mét nằm sâu trong lòng đất bazan được gọi là đá ong. Không biết tự bao giờ, người Việt đã biết khai thác đá ong để xây nhà, nhà xây bằng đá ong mùa đông thì ấm, mùa hè lại mát mẻ.

Xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nằm bên bờ Tích Giang thơ mộng trải dài, đã qua vụ gặt, thanh niên trai tráng trong làng đua nhau vác cuốc, cầm thó đi thục đá ong từ rất sớm. Khai thác đá ong nặng nhọc, lắm công phu, người thợ dùng một dụng cụ gọi là thó. Thó bằng sắt tròn nặng và dài 2 mét, đầu dưới như xà beng nhưng tẽ ra thành hai đầu nhọn sắc bén gọi là lăn thó. Người ta dùng nó để xén đá thành từng viên, thông thường, đá dùng để xây nhà có kích thước 30x16x15cm. Đầu trên thó có những cánh bằng sắt gọi là én thó, có tác dụng giữ thó cân đối, tạo đường thục chính xác. Không phải là nghề cha truyền con nối, cứ đến tuổi vị thành niên là đám trai làng tự giác theo nhau đi đánh đá ong xây nhà, chuẩn bị cho cuộc sống riêng. Nếu nhanh chỉ sau một tháng là có thể thục được những viên đá vuông vắn. Nhưng có lẽ để thục được những viên đá "trường 9 khoát 5" (40cmx20cm) thì người thợ cũng phải có ít nhất năm năm kinh nghiệm.

Huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng là xứ sở của đá ong. Không hiểu vô tình hay hữu ý mà người xưa lại lấy tên "Thạch Thất" để đặt cho mảnh đất này. Thạch thất có thể được hiểu là vùng xây nhà bằng đá. Đá gắn liền với sinh hoạt, tình cảm của người dân đời này qua đời khác, hàng trăm khối đá ong bao quanh nền và 237 bậc thang lên chùa Tây Phương (865-873) là một minh chứng cụ thể.

Ở Đường Lâm sau khi khai thác đá với kích thước to lớn, hình thức thô nhám hoàn toàn không gia công, mà cứ thế xếp chồng lên thành tường nhà. Có nhìn mới thấy cái đẹp của đá ong, cái đẹp ấy bổ sung cho nét đẹp văn hoá của "làng Việt cổ". Chắc hẳn ai qua đây, dù chỉ một lần cũng không thể quên được cái màu thổ hoàng của những bức tường đá ong đỏ rực trong nắng chiều.

Khi cơn lốc đô thị hoá với những mảng bê tông "lạnh lùng" mang đến cảm giác ngột ngạt, việc sử dụng vật liệu đá ong trong thiết kế nhà đã tạo ra một không gian thiên nhiên gần gũi, như nghe thấy hơi thở của đất ngay trong giấc ngủ. Với nhiều cách sử dụng khác nhau, đá ong có thể xẻ thành từng miếng mỏng để ốp tường. So với các vật liệu khác, sử dụng đá ong sẽ giảm được chi phí vật liệu trong ngôi nhà, đơn giản trong thi công và mang lại vẻ đẹp thuần khiết. Cũng có thể dùng đá ong để tạo những mảng lớn tạo cảm giác vững chãi, thanh và cao hơn. Trong khuôn viên Câu lạc bộ Đầm Sen tại Quảng Bá - Hà Nội, đá ong không chỉ để dựng nhà, mà đã tạo nên những nhóm tượng rất đẹp, mang lại một phong cách riêng, độ loang chảy của màu đem đến một vẻ đẹp tự nhiên huyền bí.



Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

NỖI NIỀM CỦA NGƯỜI TRỒNG HOA Ở XỨ HOA (P.2)


Đà Lạt đã bội thực dự án resort (235 dự án) với hàng vạn biệt thự cùng khách sạn sẽ ra đời để gộp vào hệ thống 700 khách sạn, nhà nghỉ hiện hữu. Dự án resort đã và đang bủa vây các vùng đồi, thung lũng trồng hoa. Cùng với đó, các làng trồng hoa ngày càng teo tóp vì cơn lốc địa ốc, phân lô đô thị... Người ta sẽ không còn tìm thấy nữa làng hoa sau trường Lycée Yersin xưa, làng rau - hoa bên trên hồ Đội Có, làng rau - hoa ấp Hồng Lạc, làng hoa quanh hồ Vạn Kiếp, làng rau - hoa bên trục đường Nguyễn Công Trứ... Làng trồng hoa hồng Vạn Thành lừng danh nhiều lần bị lăm le quy hoạch thành đô thị. Làng trồng hoa ở khu Đất Mới, rồi làng hoa cạnh hồ Chiến Thắng... cũng đang rục rịch "gả" cho các dự án du lịch. Ngay cả làng hoa đầu tiên trong lịch sử ngành trồng hoa là Hà Đông cũng đang mất dần vì nhà cửa mọc lên ồ ạt. Đô thị đang nuốt dần những làng trồng hoa và chính việc không sốt sắng trong triển khai quy hoạch chi tiết trong tổng thể quy hoạch chung về Đà Lạt của nhiều cấp, ngành tại địa phương đã góp phần "giúp" các làng trồng hoa tại đây trở thành hình ảnh của quá khứ.

Còn một sự thật nữa đang diễn ra là nhiều nông dân Đà Lạt gần đây phải tìm vào Lạc Dương, xuống Đơn Dương, Đức Trọng... để thuê đất trồng hoa, thường là với giá cao ngất ngưởng. "Giá" của hoa mà! Chính quyền có thể chưa nhận thấy điều này, nhưng "đời sống trồng hoa" ở Đà Lạt đang chảy theo những ngóc ngách bươn chải trắc trở như vậy.

Trở lại các kỳ lễ hội - festival hoa. Không khó để nhận ra phần hoa chính yếu tham dự bữa tiệc festival là hoa của các "đại gia" mới trồng hoa, của những doanh nghiệp lớn, bề thế và của Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Đà Lạt chứ không phải của những nông dân gắn bó với nghề trồng hoa lâu đời ở xứ được mệnh danh là xứ ngàn hoa này. Không đắng lòng sao khi tiếng thơm của hoa ở xứ ngàn hoa được gây dựng không phải một sớm một chiều, và người tạo ra tiếng thơm ấy - nguồn dinh dưỡng quan trọng thu hút du khách tìm đến thành phố trong sương - không ai khác chính là những nông dân một nắng hai sương kia, lại không được góp mặt xứng đáng trong chính lễ hội tôn vinh nghề nghiệp của chính mình.

Dù là trung tâm du lịch, nhưng cho đến giờ nông dân vẫn là thành phần chủ yếu của Đà Lạt. Không còn đất cho hoa thì còn đâu xứ sở trồng hoa, nghề trồng hoa và đương nhiên, không thể còn xứ sở ngàn hoa - niềm tự hào không chỉ riêng người Đà Lạt.
Đã qua 4 kỳ lễ hội hoa, không còn sớm để đặt ra câu hỏi đầy nỗi niềm: tổ chức lễ hội - festival hoa là vì ai, vì du khách, ngành du lịch với hệ thống các khách sạn, resort dày đặc và đủ thứ dịch vụ hay cho nền trồng hoa, người nông dân trồng hoa? Có lẽ sẽ rất khó chấp nhận khi hết lần này đến lần khác, mỗi khi tới kỳ khai mạc lễ hội hoa, chúng ta lại hô hào, nào là sau festival nông dân sẽ được lợi ích nhờ sự lan toả của lễ hội, nào là hiệu quả sau festival hoa từ từ sẽ đến với người nông dân quanh năm (và bao đời) kiếm cơm bằng nghề trồng hoa.

Từ từ là đến chừng nào nữa khi sau bốn kỳ lễ hội, những nỗi niềm của nông dân trồng hoa Đà Lạt gần như vẫn còn nguyên?



(Theo N.H.T - SGTT 6/1/2012)

NỖI NIỀM CỦA NGƯỜI TRỒNG HOA Ở XỨ HOA




 
 
Festival hoa Đà lạt lần thứ tư vừa kết thúc. Sau 4 lần tổ chức, ấn tượng tốt đẹp nào, giá trị văn hoá, nghệ thuật gì của một lễ hội riêng có của phố núi - vốn được xác lập là lễ hội quốc gia - sẽ còn lưu lại trong trí nhớ của du khách thì có lẽ chỉ tâm hồn từng du khách mới cảm nhận và trả lời chuẩn xác nhất, là đáp số. Chỉ riêng hoa Đà Lạt - dù thế nào - thì vẫn luôn là sứ giả của xứ du lịch Đà Lạt.


 Khu trung tâm phố núi đang ở những ngày ăn nên làm ra, cho những hộ dân sống bằng nghề dịch vụ. Nhưng cũng chính những ngày này, ai có dịp ngược ra vùng ngoại ô, tiếp xúc với từng người nông dân, sẽ nghe những tâm tư của họ, trong đó có sự thẳng thắn rằng số đông họ gần như "ngoài cuộc" với không khí lợi ích cụ thể từ festival hoa kia. Thậm chí nhiều người nói rằng cái họ cần là sức mạnh của nền trồng hoa, là về nguồn giống tốt, giống mới lấy từ đâu cho hợp pháp chứ không xài "chui", nhặt nhạnh từ các công ty trồng hoa nước ngoài; nhu cầu luôn có người chỉ cho họ biết về kỹ thuật tiên tiến; cần trang bị khả năng để hoa của họ có thể cạnh tranh với hoa các quốc gia khác... Sự thật thì lâu nay nền trồng hoa ở Đà Lạt lớn mạnh phần nhiều nhờ vào sự nỗ lực tự thân của nông dân và chính họ học hỏi từ các công ty trồng hoa nước ngoài, như giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, thừa nhận.

Bốn kỳ festival hoa là 4 kỳ truyền hình trực tiếp lễ khai mạc trên truyền hình quốc gia, nghĩa là 4 kỳ quan chức chính quyền Đà Lạt - Lâm Đồng xuất hiện trong tivi trong trọng trách của mình. Bốn kỳ festival là 4 kỳ đều có chương trình "ăn theo' là tổ chức về phát triển nghề hoa ở địa phương này. Lật kỷ yếu của 4 kỳ đó ra, ta nhận ra món nợ về 1 cái chợ đấu xảo hoa cho nông dân để hoa họ trồng ra không còn bị thương lái ép giá, để không còn cái cảnh của nền nông nghiệp tự lo, tự phát, cho thức sản phẩm luôn mong manh "sáng thu, trưa héo, chiều đổ đi" và để nền trồng hoa ở xứ "trời đãi", dễ trồng hoa nhất nước này ngang bằng với các nước. Sự tha thiết đó được đưa ra không chỉ các hội thảo về hoa mà gần như trên mọi diễn đàn liên quan đến hoa đều nghe thấy. Việc triển khai dự án xây dựng trung tâm thương mại và đấu giá hoa Đà Lạt trên diện tích 10ha ngay trong năm 2011 cũng đã được chính quyền tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, nhưng xem ra mọi việc vẫn đang dậm chân tại chỗ.

10ha "đầu ra" cho hoa nông dân sao mà dầm dề, cay đắng!

Đó là chưa nói giờ đây ở Đà Lạt không khó để nhận ra những vị trí đẹp, "đất vàng", đất có nguồn nước tưới đảm bảo, sinh thái còn đảm bảo... luôn thuộc về các dự án xây dựng khách sạn, biệt thự... Tiền ngân sách hàng năm đổ vào nhiều công trình khác, nhưng cái cần kípđể cứu ngay nông dân trồng hoa là 1 trung tâm đấu xảo hoa như ở Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... thì còn mãi đong đưa. Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt Trần Huy Đường từng bảo: ông thấu rõ nông dân Đà Lạt khát cháy một trung tâm đấu xảo hoa - biểu thị của 1 nền nông nghiệp hàng hoá chuyên nghiệp và mang lại sự công bằng trong thị trường hoa cho nông dân.

(hết phần 1)


Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

ẨM THỰC Ý

Nữ nhà văn Elizabeth Gilbert với cuốn tiểu thuyết diễm tình nổ tiếng Ăn, Cầu nguyện, Yêu (Eat, Pray, Love) đã lặn lội đến nước Ý chỉ để khám phá ẩm thực và bắt đầu chăng đường đầu tiên trong hành trình khám phá bản thân. Còn trong bộ phim chuyển thể cùng tên thì "người tình của nước Mỹ", nàng Julia Roberts miệng rộng đã thốt lên rằng "Tôi đang yêu cái bánh pizza của mình" (I'm having a relationship with my pizza).


 Đối với người Ý, ngoài tôn giáo Thiên Chúa đang ngự trị sừng sững ở Vatican thì 1 thứ khác không kém phần quan trọng hơn, đó là ẩm thực. Họ tôn sùng việc ăn uống nói chung và thức ăn ý nói riêng, họ cực kỳ khó tính khi ăn, nhưng chỉ cần được ăn ngon thì bất kỳ việc gì đang làm cho họ khó chịu sẽ không còn nghĩa lý gì nữa. Họ thích ăn uống, thích rượu vang, thích thưởng thức những thứ ngon lành xung quanh theo 1 cách kết hợp đơn giản và đặc biệt. Họ hẳn cũng là những người đầu tiên đã nghĩ ra cách đặt đủ thứ nguyên liệu, thực phẩm lên trên một cái đĩa bằng bột mì, nướng trong lò đến giòn tan và thơm ngậy và bây giờ, hàng tỉ người trên thế giới (có cả tui) say mê món ăn ấy: pizza.

Kể cả khi bạn không mê pizza, bạn cũng có thể dễ dàng phân biệt được pizza Ý và pizza Mỹ. Những nhà hàng pizza Mỹ có lối phục vụ nhanh chóng và các loại nhân dễ ăn, nhiều đạm, cùng với cái lò điện nhanh, gọn và hiện đại. Những nhà hàng pizza Ý lại đi theo phương châm "Điều tốt đến với những kẻ biết chờ đợi", nó trễ nãi với một cái lò gạch nung pizza truyền thống và phương pháp nấu nướng truyền thống: đốt củi. Ở trong những quán ăn Ý đúng kiểu, bạn luôn cảm thấy trong bầu không khí có mùi thơm của củi cháy trong lò, mùi ngầy ngật của phô mai và bột mì có khi còn vương trên tay áo người phục vụ. Pizza được nướng bằng lò củi mới là  pizza - không phải thức ăn nhanh. Pizza Ý phải là loại pizza có đế bột mỏng, tựa như 1 chiếc đĩa để nâng niu những loại nhân phối hợp tưởng chừng ngẫu nhiên lại hết sức hợp lý về hương vị bên trên. Chỉ riêng pizza Ý thôi cũng mất đến vài tháng để bạn thử hết tất cả các loại.

Còn món lasagna, sự mô tả chính xác của nó chỉ đơn giản là một miếng mì miếng bỏ lò với thịt băm sốt cà chua với phô mai tươi. Các nguyên liệu đều có vẻ đơn giản và giống những món ăn ngậy, béo, nhiều bột và đạm. Ở giữa những lớp mì và thịt là những loại nước sốt đặc trưng của ý với nguyên liệu chủ yếu là sữa, bột mì, muối và phô mai tươi bào nhỏ. Tất cả những thứ này, nằm xếp lớp với nhau đơn giản và được nướng chín ở một nhiệt độ cao. Khi món lasagna được dọn ra trong một chiếc đĩa sâu lòng, với điềm diềm phô mai cháy cạnh màu vàng sậm và một chút phô mai còn sủi lên vì nóng, bạn sẽ không cưỡng lại được những lát mì trộn bột trứng dạng miếng được cán mỏng, từa tựa như lớp vỏ hoành thánh của người Hoa, lá mì mềm mà không nát, nằm như những chiếc chăn đắp, ủ ấm lớp thịt băm và quyện với màu đỏ tươi của sốt cà chua. Khi bỏ vào miệng, một miếng lasagna hoàn toàn có thể làm bạn có cảm giác tan chảy với tất cả những gì thơm, ngọt, dịu, êm mượt và đậm đà nó mang lại.

Còn nhiều món ăn khác nữa mà có thể bạn đã ăn, nhưng không biết nó đến từ đất nước hình chiếc ủng. Kem, cà phê, bánh ngọt và hàng trăm món mì, salad đủ kiểu, tầm ảnh hưởng của những món ăn Ý len lỏi vào từng ngóc ngách của những nhà hàng địa phương nhỏ nhất trên mọi đất nước, và bạn có thể ăn món Ý ở hầu như khắp nơi trên thế giới, với đủ loại biến thể. Nền ẩm thực hơn 2.000 năm tuổi hoàn toàn xứng đáng với lịch sử của nó.

Nếu bạn vẫn còn luôn nuôi 1 giấc mơ là được một lần đặt chân đến nước Ý mà con heo đất còm cõi của bạn còn lâu mới đủ béo để đưa bạn đi bằng đường hàng không, thì trong lúc chờ đợi, hãy tận hưởng nước Ý qua đường dạ dày. Hãy làm no con mắt bằng màu vàng đặc trưng của phô mai và pasta; hít hà thật sự với mùi bánh nướng thơm và mùi ô liu thoang thoảng; thoả mãn vị giác với vị béo, vị thơm, vị thanh, rồi đi về nhà với cái bụng no căng và tiếp tục suy nghĩ về nước ... Ý.


Đặc điểm của ẩm thực Ý chính là sự đơn giản tuyệt đối, mà trong đó có rất nhiều món chỉ bao gồm từ 4 đến 8 loại nguyên liệu. Các đầu bếp Ý thường chú trọng đến chất lượng của nguyên liệu hơn là việc nấu nướng cầu kỳ. Các món ăn và các công thức nấu ăn thường là do các bà nội trợ nghĩ ra, hơn là do các đầu bếp danh tiếng, và đó là lý do vì sao các món ăn Ý rất phổ biến trong các bữa ăn gia đình và làm ẩm thực Ý trở nên thông dụng trên toàn thế giới. Phô mai và rượu vang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, rất đa dạng nhưng cũng được quản lý vô cùng chặt chẽ. Cà phê, đặc biệt là expresso ngày càng trợ nên phổ biến.


HẾT THỜI CHẦU CHỰC MUA XE HƠI

Các loại phí và lệ phí đối với mặt hàng xe hơi thường được ấn định tăng vào ngày đầu năm mới và thông tin này đã được giới kinh doanh xe hơi thổi lên vào tháng 12 năm 2011 để mong thúc đẩy sức mua của thị trường. Nhưng năm nay, khách hàng thờ ơ.


Câu chuyện mua xe chạy thuế, phí hay mua xe đón năm mới, đi tết... trước đây vốn đã thành phong trào. Trong những thời điểm ấy, không chỉ là người có nhu cầu thực sự, mà ngay cả những người đã có xe, người chưa có nhu cầu sử dụng nhưng có điều kiện mua, cũng bị cuốn vào cơn sốt này: đặt cọc, ký hợp đồng rồi chầu chực, ngóng đợi... Chưa kể không ít người mua phải "lót tay" thêm vài chục triệu để lấy xe sớm hơn cho yên tâm. Tuy nhiên, dù đang trong thời điểm "vàng" của năm, mọi thứ đã không như tiền lệ.

Luôn có xe giao ngay

Rảo qua một vòng các đại lý bán xe tại TP.HCM trong ngày 28/12, không khí giao dịch khá trầm lắng. Tại Huyndai Bến Thành, khi hỏi chiếc đang được chuộng là Sonata đời 2012 với giá gần tỉ đồng, nhân viên bán xe cho biết xe đã có sẵn hồ sơ, chỉ cần thanh toán đủ tiền là kịp đóng thuế, phí và đăng ký để nhận xe trong ngày. Khoảng 12 mẫu xe mà nơi này đang phân phối, mẫu nào đại lý cũng có sẵn để giao ngay cho khách có nhu cầu mua để né phí trước bạ và đăng ký biển số.

Tại Saigon Ford, ngay cả mẫu xe đang hut nhất tại thị trường của Ford Việt Nam - Fiesta - hàng có sẵn. "Khách đặt mua nhiều nhất là mẫu Fiesta năm cửa, nhưng đến thời điểm này vẫn còn để giao cho khách mua trước thời điểm phí trước bạ và đăng ký biển số tăng", một nhân viên bán hàng nói. Khi được hỏi về lượng bán ra các mẫu xe còn lại của Ford, nhân viên bán hàng cho biết sức mua cũng vậy, không có gì khác mấy. Tương tự tại đại lý Việt Long chuyên bán xe Chevrolet trên quận 12, khi hỏi mua mẫu xe Orlando vừa ra mắt của hãng nhân viên bán xe chỉ ngay đến hai chiếc có sẵn trong cửa hàng và cho biết, chỉ cần thanh toán xong là đại lý sẽ hoàn thiện thủ tục về thuế, phí và hỗ trợ đăng ký. Ngày hôm sau người mua sẽ nhận xe. Ngay cả những mẫu xe đang ăn khách của Toyota như Corolla Altis, khi được hỏi một nhân viên bán hàng của Toyota Lý Thường Kiệt cũng cho biết "sẽ giao vào đầu tháng 1/2012". Đây là điều lạ vì trước đây, không ít khách hàng phải chờ hàng tháng mà chưa chắc đã nhận được xe.

Vào một salon tư nhân bán xe nhập khẩu trên đượng Cộng Hoà, quận Tân Bình, người phụ trách salon tên Vinh cho biết, hiện giờ còn hàng chục xe chưa đăng ký với hồ sơ, giấy tờ đầy đủ nhưng cũng không thấy khách hỏi mua. "Họ chỉ vào nhìn sơ qua, hỏi chiếu lệ vài câu rồi hẹn quay lại sau. Cả tháng nay chưa thực hiện nổi mười hợp đồng bán hay đổi xe, chỉ bằng 30% so với những năm trước", Vinh nói.

Salon chuyển hướng sang kinh doanh xe cũ

Chính sự èo uột của thị trường cùng những quy định chặt chẽ về nhập khẩu nên không ít cửa hàng  mua bán ô tô chuyển hướng sang dòng xe cũ, đã đăng ký biển số lưu hành. Nguồn cơn bắt đầu từ những quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô mới dưới 9 chỗ trong thông tư 20 của Bộ Công thương (có hiệu lực từ 26/6/2011) và quyết định 36/2011 của Thủ tướng (có hiệu lực từ 15/8/2011). Hai văn bản này dường như đã "vén màn khai tử" cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ, không chính hãng.

Các nhà nhập khẩu xe mới nằm trong sự chi phối của thông tư 20 đều "bó tay", vì không dễ gì có được những loại giấy tờ liên quan chiếc xe nhập khẩu theo quy định của thông tư này. Từ khi thông tư có hiệu lực, tới nay đã hơn 6 tháng mà chỉ có duy nhất 1 doanhh nghiệp nhập được xe về. Tuy nhiên, dấu đóng thông quan của lô xe 46 chiếc Lexus mà doanh nghiệp này nhập về chưa ráo mực thì đã bị Bộ Công thương yêu cầu phải tái xuất, hoặc sẽ bị tịch thu vì kiểm tra thấy giấy tờ không hợp lệ.

Không chỉ là xe mới, cách tính thuế nhập khẩu mới ban hành trong quyết định 36/2011 dành cho xe đã qua sử dụng cũng đẩy các doanh nghiệp kinh doanh xe cũ lao đao. "Với cách tính này, rất nhiều mẫu xe cũ nhập khẩu đắt hơn cả xe mới cùng chủng loại", ông Hai Thìn, đại diện 1 salon trên đường An Dương Vương, quận 5 nói. Hiện các salon kinh doanh xe cũ chỉ dám nhập 1 số dòng xe có động cơ nhỏ như Kia Morning, Chevrolet Spark... để bán về tỉnh. Với những mẫu xe cũ khác có động cơ lớn hơn, khi có khách hàng đặt mua mới dám nhập.

SGTT, 30/12/2011.


Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

CÔNG TY SẢN XUẤT MŨ BẢO HIỂM ĐẠT CHỨNG NHẬN HỢP QUY

Tết tây dẫn gia đình đi chơi, ngồi vểnh râu tán dóc cùng những người bạn khi đang chờ các bà nội trợ dẫn bé đi mua sắm quần áo Tết rồi dần chuyển qua đề tài chất lượng cái nón đang đội trên đầu lúc nào không hay. Một hồi tranh luận "nảy cà phê, văng đường tán" bảo vệ cái nón của gia đình mình là chất lượng nhất, đẹp nhất, giá hợp lý nhất... rồi cả nhóm phụ nam mới ngớ ra "Mình mua mũ có bao giờ biết gì đâu, toàn là do các bác bán mũ tư vấn không hà !"

 Thôi, hôm nay tui đưa danh sách nón bảo hiểm do các công ty Việt Nam nhà mình sản xuất đạt chất lượng (dấu tem CR) lên đây để các bác khỏi dò tìm thông tin nhé.



Danh sách mũ bảo hiểm cho người đi xe gắn máy đã đạt chứng nhận hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 2;2008/BKHCN.

1. Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Nhựa Chí Thành V.N: nhãn CHITA,OMONO, SAFE.

2. Công ty TNHH TE An Việt Nam: nhãn VR-1, EPIC, ACE, MARUSHIN, ZOOM.
3. Công ty TNHH Srithai Việt Nam: nhãn HONDA.

4. Công ty TNHH Long Huei Việt Nam: nhãn ANDES, ZEUS, HEROS, SIMPSON, SUNDA, CROMO.

5. Công ty Thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam: nhãn PROTEC.

6. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phú Gia Khang: nhãn KANO.
(không tìm thấy hình của kano nên dùng tạm hình này nha)


...

Trong danh sách các doanh nghiệp uy tín, các dòng chữ đỏ được cơ quan chức năng in đậm cảnh báo người tiêu dùng như: "Huỷ bỏ Giấy chứng nhận và dấu CR do Công ty đã ngừng sản xuất mẫu này", "Huỷ bỏ Giấy chứng nhận và dấu CR từ ngày 01/10/2010", "Tạm đình chỉ việc sử dụng Giấy chứng nhận và dấu CR áp dụng từ ngày 15/12/2009 do Công ty không đảm bảo để tiến hành đánh giá giám sát định kỳ" làm mình cảnh giác hẳn.

Vậy là đỡ phần tranh luận mà không có căn cứ nhé, các bạn già của tôi.


PS: Thông tin được cập nhật theo website Bộ Khoa học Công nghệ (http://www.most.gov.vn/Desktop.aspx/Thong_bao/Thong-bao/Thong_bao_Danh_sach_mu_bao_hiem_cho_nguoi_di_mo_to_xe_may_da_chung_nhan_hop_quy_phu_hop_QCVN_22008BKHCN_tinh_den_ngay_1122011/)