Với tính chất cách điện, cách nhiệt, ngăn ẩm tốt, gỗ là loại nguyên liệu đã được con người sử dụng lâu đời và rộng rãi. Trong dân dụng, đồ gỗ nội thất được ưa chuộng vì vẻ đẹp sang trọng và có độ bền cao. Tuy nhiên, đồ gỗ cũng là loại đồ dùng đòi hỏi sự kỹ càng nơi người sử dụng.
Gỗ nguyên liệu, trước khi được chế tạo thành đồ dùng, cần khắc phục những nhược điểm do tính lý hoá của gỗ tạo nên. Chẳng hạn, gỗ chịu sự tác động lớn của độ ẩm, nhiệt độ, nên đồ gỗ dễ bị mục, dễ bị sinh vật (mối, mọt) phá hoại, có độ đàn hồi thấp, dễ bắt lửa…, vì vậy cần phun, tẩm hoá chất chống mối, mọt; sấy để loại bỏ thành phần nước tự do khỏi gỗ; ngâm hoá chất để chống bắt lửa…
Mặc dù đã được xử lý để khắc phục các yếu tố trên nhằm bảo quản từ bên trong, đồ gỗ sử dụng trong gia đình vẫn cần được “chăm sóc” chu đáo nhằm bảo vệ gỗ từ bên ngoài.
Trước tiên, đồ gỗ sử dụng trong nhà cần đươc kê ở những vị trí có độ thoáng nhất định, không được tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời hoặc ở góc có độ ẩm cao.
Việc lau chùi cần sử dụng loại khăn mềm, lau nhẹ tay để tránh làm xước bề mặt hoặc lớp sơn trên bề mặt gỗ. Làm ẩm khăn trước khi lau, nhưng không nên dùng khăn còn sũng nước để tránh nước loang lổ trên bề mặt gỗ, cũng tránh nước đọng lại ở những chỗ ráp, nối.
Cần lưu ý, không đặt các đồ vật nóng trực tiếp lên bề mặt gỗ, bởi nhiệt độ cao sẽ làm thay đổ màu gỗ ở chỗ tiếp xúc, hoặc làm tróc lớp sơn bóng trên mặt gỗ. Nếu lỡ xảy ra trường hợp này, có thể dùng vải thấm một trong các hoá chất: dầu hoả, cồn, nước hoa, dung dịch amoniac, lau nhẹ lên chỗ màu gỗ bị đổi; hoặc bôi lên đó một ít dầu vaseline. Để vài ngày, dùng khăn mềm lau sạch đi.
Làm bóng đồ gỗ bằng cách lau bằng khăn mềm thấm nước pha dấm (tỉ lệ: 1 nước +1/2 dấm). Cũng có thể sử dụng dầu bóng (thường là dạng bình xịt) để làm mới đồ gỗ. Các bước thực hiện: lắc đều bình trước khi sử dụng; xịt dung dịch lên bề mặt gỗ ở khoảng cách 20cm; dùng vải mềm lau khô. Lưu ý, khi đánh bóng đồ gỗ, nên sử dụng găng tay nhằm tránh để lại dấu tay trên bề mặt gỗ; không lau bằng nước trước khi thực hiện việc đánh bóng. Đồ gỗ nên được đánh bóng khoảng ba tháng một lần, tránh tác động quá nhiều lên bề mặt gỗ.
Đối với loại gỗ dầu, cần chú ý bổ sung lượng dầu định kỳ; không bôi sáp lên bề mặt gỗ để có thể dễ dàng bổ sung khi dầu bị khô.
Đồ gỗ sử dụng trong thời gian dài sẽ tránh bị trầy xước, có thể làm mới lại bằng cách cạo lớp sơn bảo vệ màu cũ đi, phun lại lớp mới. Việc này nên được thực hiện bởi những cơ sở chuyên nghiệp.
Dù biết đồ gỗ là loại kỵ nắng mưa, nhưng nhiều người vẫn thích sắm bàn, ghế, xích đu… bằng gỗ cho mảnh sân, góc vườn của mình. Tuổi thọ của đồ gỗ sử dụng ngoài trời thường không kéo dài quá hai năm, nhưng nếu được bảo trì đúng phương pháp thì thời gian sử dụng có thể lâu hơn mà vẫn duy trì được tính thẩm mỹ của nó.
Đồ gỗ sử dụng ngoài trời thường được sơn một lớp dầu chuyên dùng (không phải sơn hay vecni thông thường), chỉ cần thường xuyên duy trì lớp dầu này thì sẽ tăng được độ bền của đồ dùng. Tuy nhiên, duy trì không có nghĩa là liên tục phủ lớp mới lên trên lớp cũ, mà đúng cách nhất là cạo bỏ lớp dầu cũ, sơn lớp mới. Việc này thường được tiến hành bởi các cơ sở chuyên nghiệp, nhưng chính chủ nhân là người cần biết thời điểm nào phải thực hiện. Theo giới chuyên môn, khoảng từ 3-6 tháng một lần nên thay dầu cho đồ gỗ ngoài trời, để vừa tăng độ bền cho đồ dùng, vừa làm mới cho không gian.
vifafair 2013, hội chợ đồ gỗ quốc tế, vifahome 2013,hội chợ đồ gỗ nội địa, hawa, hội chế biến gỗ tphcm, hawacorp, hỗ trợ ngành gỗ, kiến nghị hỗ trợ lãi suất ngành, hội chợ thủ công mỹ nghệ, gỗ sạch, công ty liên minh, tiêu chuẩn đồ gỗ việt nam, hướng dẫn lắp đặt đồ gỗ, bản đồ đồ gỗ tp.hcm, tiêu dùng nội địa, trung tâm bán sỉ đồ gỗ, trung tâm mua đồ gỗ cũ, sửa chữa đồ gỗ gia dụng, phân phối đồ gỗ