Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

MỤC ĐÍCH CỦA SỰ SỐNG



Ngày xửa ngày xưa, một con sói sống ở sa mạc, sau những trận chiến sống còn để dành dật sự sống, với thương tích đầy người, sau nhiều ngày lê lết trên đường để tìm nguồn nước đã đến được ven bờ của một con suối. Con sói toan vục mặt xuống để uống nước, bỗng nó nhìn thấy dưới suối có một hình thù kỳ dị, lông lá dựng ngược, xác xơ, mắt trợn lên và răng nhe ra gầm gừ. Nó sợ quá vụt lùi lại bỏ đi. Nhưng vì khát quá, nó quay lại dòng suối mong rằng con vật kinh khủng kia đã đi rồi. Không ngờ, lần này, con vật kia nhìn còn kinh khủng hơn, vẫn lù lù dưới suối. Một lần nữa, nó giật lùi bỏ đi. Lần thứ ba, nó quay lại, đã quá khát, dung sức lực cuối cùng nó lao thẳng xuống dòng suối. Cái bóng kinh khủng tan biến và nó đã thỏa mãn khát vọng!


Cũng ở dòng suối đó, một người lái buôn trong chuyến đi dài của mình, vì sợ quãng đường tiếp theo sẽ thiếu nước nên mặc dù ông vừa cho ngựa ăn và uống no nê ở ngôi nhà gần đó, ông vẫn dắt chú ngựa đến dòng suối để nó uống thêm nước dự trữ. Chú ngựa ngoan ngoãn theo ông đến dòng suối, nhưng khi ông dí đầu chú ngựa xuống suối để chú uống nước thì chú hất tay của ông đi và nhất định không uống. Ông càng cố dí đầu chú xuống, chú càng vùng vằng hất tay ông mạnh hơn. Ông chủ đành đầu hàng.

Sao lại thế? Tại sao lại thế? Thật đơn giản, đó là vì “cơn khát” của con sói từ bên trong nó ra còn “cơn khát” của chú ngựa bị áp đặt từ ngoài vào. “Bạn chỉ có thể dắt con ngựa ra bờ suối chứ không thể bắt nó uống nước”. Khi những thèm khát, ham muốn không từ trong ra mà bị áp đặt từ ngoài vào thì rất khó thành công và nếu làm được thì thành quả đạt được cũng không đáng kể. Quan trọng hơn, con người khi đó sẽ làm việc một cách rất khổ sở và không bao giờ có hạnh phúc.

“Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích”. Con người cũng như mọi sinh linh khác, khi sinh ra trên đời đã có một mục đích, một sứ mệnh, một thiên mệnh, một định mệnh. Ta thực sự hạnh phúc và đạt được thành quả tối đa khi và chỉ khi ta thuận theo gen bố mẹ, ông bà và tổ tiên đã gieo trong ta, nghĩa là thuận theo tự nhiên nhiên, thuận theo đất trời. Luật nhân quả dạy ta rằng: Nhân nào quả ấy. Gieo gì gặt nấy. Người là nhân. Cái nhân, cái cốt lõi tinh tú nhất, mầm sống, thiên mệnh đã gieo trong ta là gì thì phải ra hoa kết quả đúng với nó. Lẽ đương nhiên, mầm bưởi phải ra quả bưởi, mầm xoài phải ra quả xoài… Nếu ta chỉ vì cái lợi trước mắt, vì muốn mau chóng có tiền sẵn sàng làm bất cứ cái gì miễn là có tiền. Ta quên mất gốc bẩm sinh, khác gì cuộc sống tầm gửi, lai ghép, ký sinh. Sự sống không theo mục đích từ tự nhiên sẽ không được tiếp tục sinh sôi mãnh liệt, không được truyền kiếp và vô phúc. Nhân văn nhất là sống đúng với nhân bản với cái mục đích cội nguồn của mình. Sống không theo nhân bản, không theo thiên mệnh là bất nhân.


Trong mỗi chúng ta đều có hai con người. Cả hai đều sẵn sang làm việc hết mình, quên ngày quên tháng, nhiều khi quên cả bản thân, quên cả những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Cả hai cùng khiến ta sống mãnh liệt, cháy bỏng. Cả hai cùng giúp ta đạt được những thành tích tuyệt vời, được người đời nhắc đến với những lời cảm thán bất hủ. Nhưng một người tiều tụy còn một người hạnh phúc bình dị. Người tiều tụy: sống bằng “thèm khát từ ngoài vào” đó là tiền tài, danh vọng, bằng mọi giá chiếm đoạt những điều đó cho mình. Người hạnh phúc bình dị: sống bằng “khát vọng từ bên trong”, khát vọng phụng sự, khát vọng dâng hiến tài năng để gia tăng giá trị cho đời. Hai con người này luôn dằng xé nhau. Bạn ủng hộ ai, bạn là chính người đó !
khát vọng sống, lạc quan sống, con đường màu xanh, cách sống, tuyên ngôn sống, tình yêu, cha dạy con, bản lĩnh doanh nhân, nhịp sống sài gòn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét