Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

STARUP: VỐN - QUY TRÌNH GỌI VỐN & CHIA CỔ PHẦN


Với khởi nghiệp (starUp), vấn đề đầu tiên luôn luôn là TIỀN đâu? Gọi vốn như thế nào? Cách phân chia cổ phần sau mỗi vòng gọi vốn ra sao? Suy nghĩ, mục đích của nhà đầu như là gì?

Gọi vốn đầu tư - kêu gọi người khác bỏ tiền ra cho mình làm, hay tôi nói thẳng toẹt ra là bạn đi bán ý tưởng, bán dự án kinh doanh của mình. Có một điều bạn luôn PHẢI NHỚ: Nhà đầu tư là nhà đầu tư, họ không phải là nhà từ thiện. Điều họ quan tâm khi đầu tư là: Trong vụ này mình có thể kiếm được bao nhiêu. Họ đầu tư đầu tiên là vì họ chứ không phải vì bạn hay dự án của bạn!



A Phủ có một ý tưởng, một dự án, một kế hoạch kinh doanh rất khả thi là: Săn, nuôi lợn rừng giống, phát triển quy mô đàn lợn xây dựng thương hiệu và bán thịt lợn rừng sạch. Mọi thứ anh đã lên kế hoạch tỉ mỉ triển khai là chắc thắng(tất nhiên đó là theo suy nghĩ của cá nhân anh ta). Ngặt một nỗi, anh không có tiền vốn. Và anh bắt đầu đi gọi vốn đầu tư để triển khai ý tưởng to lớn của mình. À mà thôi, cứ gọi là anh đi bán ý tưởng kinh doanh của mình.



GIAI ĐOẠN 1

Trước khi đi bán ý tưởng kinh doanh của mình, A Phủ cần định giá được giá trị của nó. Định giá như thế nào để thuận mua – vừa bán với người mua(nhà đâu tư). Cao quá sẽ không ai mua cổ phần cả. Giá trị định giá chỉ có hiệu lực khi có người nào đó đồng ý mua cổ phần.

Ví dụ: Anh định giá cho ý tưởng của mình là 100 triệu đồng. Anh sẽ đi bán 20% cổ phần lấy 20 triệu đồng từ nhà đầu tư. Giả sử nhà đầu tư X đồng ý đặt niềm tin vào A Phủ và đồng ý bỏ 20 triệu đồng ra mua 20% cổ phần dự án.
(Rất hiếm khi được nhà đầu tư mua cổ phần ở giai đoạn này. Nếu muốn biết cách thuyết phục hãy kiên nhẫn đến cuối bài.)

Lúc này, số lượng cổ phần của A Phủ còn lại là 80%. Công việc của anh sau khi nhận được vốn đầu tư là phải dùng số tiền đầu tư đó, phát triển dự án của mình để có mức định giá cao hơn ở những vòng gọi vốn tiếp theo.

Cụ thể là: khi nhận được 20 triệu đồng, A Phủ mua bẫy, săn lợn và làm chuồng để nuôi lợn. Sau khi anh săn được những chú lợn giống, xây xong chuồng trại thì lại hết tiền. Anh tiếp tục đi gọi vốn đầu tư để mua thức ăn chăn nuôi, chi trả tiền thuốc thú y, để phát triển tiếp dự án của mình.


GIAI ĐOẠN 2

Vẫn giống như giai đoạn 1. A Phủ và nhà đầu tư X tiếp tục định giá lại dự án này.
Với các kết quả mới, tham số mới, mọi thứ bắt đầu cụ thể, nhìn rõ hình hài của dự án hơn với: Bẫy, chuồng trại và những con lợn giống.
Giả sử 2 người định giá giá trị dự án bây giờ là 200 triệu (Nhưng vẫn phải đảm bảo thuận mua vừa bán với các nhà đầu tư sau). Số tiền cổ phần của dự án vẫn giữ nguyên: A Phủ: 80% và nhà đầu tư X: 20% nhưng giá trị cổ phần đã tăng lên gấp đôi. Giá trị 20% cổ phần của X đã tăng lên 40 triệu đồng.
A Phủ tiếp tục gọi vốn ở giai đoạn 2:

Giả sử có một nhà đầu tư Y nhìn thấy tiềm năng của dự án liền bỏ thêm 20 triệu đồng để đầu tư dự án. Và giá trị định giá cổ phần tại thời điểm này là 200 triệu + 20 triệu của nhà đầu tư Y là 220 triệu.
Tỉ lệ cổ phần được chia lại như sau:

A Phủ: (160/220)x100 = 72.727%
Nhà đầu tư X: (40/220)x100 = 18.181%
Nhà đầu tư Y: (20/220)x100 = 9.09%

Ngoài ra, ở giai đoạn này, nhà đầu tư X hoặc A Phủ đều có thể bán một phần cổ phần của mình trong dự án để lấy tiền mặt. Nhà đầu tư X có thể bán 1 nửa cổ phần dự trong dự án để bảo toàn vốn của mình. Hoặc ông ta có thể bán hết cổ phần, coi như kết thúc 1 thương vụ và kiếm được một khoản lợi nhuận 100%.

Sau khi nhận được tiền từ nhà đầu tư Y, A Phủ tiếp tục phát triển dự án với sứ mệnh tăng giá trị định giá của nó lên. Anh nuôi lợn, chăm sóc để gia tăng quy mô và số lượng đàn lợn. Sau khi tiêu hết số tiền của nhà đầu tư Y. A Phủ có thêm một đàn lợn con vừa sinh sản. A Phủ tiếp tục gọi vốn vòng tiếp theo.


GIAI ĐOẠN 3

Cả 3 người lại tiếp tục định giá lại giá trị của dự án, chuẩn bị cho vòng gọi vốn tiếp theo. Giả sử, cả 3 người thống nhất giá trị định giá cho dự án này là 300 triệu. Số lượng cổ phần vẫn như giai đoạn 2, nhưng giá trị cổ phần tăng lên, như sau:

A Phủ: 160 triệu -> 218.18 triệu
Nhà đầu tư X: 40 triệu -> 54. 54 triệu
Nhà đầu tư Y: 20 triệu -> 27.28 triệu

A Phủ lại tiếp tục gọi vốn giai đoạn 3. Và anh thuyết phục được nhà đầu tư Z đầu tư vào dự án 50 triệu đồng. Tổng giá trị dự án bây giờ là: 300 triệu + 50 triệu = 350 triệu đồng. Và tỉ lệ cổ phần được chia lại như sau:
A Phủ: (218.18/350)x100 = 62.337%
Nhà đầu tư X: (54.54/350)X100 = 15.583%
Nhà đầu tư Y: (27.28/350)x100 = 7.794%
Nhà đầu tư Z: (50/350)x100 = 14.286%
Lúc này, với 20 triệu đồng ban đầu, nhà đầu tư X đã có khối tài sản giá trị 54.54 triệu. Để bảo toàn vốn đầu tư ban đầu hoặc đơn giản để lấy tiền về sử dụng vào mục đích riêng, ông bán 5.714% giá trị cổ phần cho 1 nhà đầu tư khác là X1 thu về 20 triệu đồng ban đầu. Đây không phải là vòng gọi vốn nên sẽ không định giá lại giá trị dự án mà chỉ là nhà đầu tư X muốn bán một phần cổ phần của ông ta tại giá trị định giá của dự án là 350 triệu đồng.

Và nhà đầu tư Y, với 20 triệu đồng ban đầu đã tăng lên 27,28 triệu đồng, khi đó ông Y quyết định ăn non, kết thúc thương vụ nên sẽ bán tất cổ phần của ông ta lại cho ông Y1 và kết thúc thương vụ đầu tư này với số tiền lãi là 7.28 triệu đồng.

Và tủ lệ cổ phần lúc này của ông X giảm xuống còn, ông Y1 sẽ thay thế ông Y trong danh sách các cổ đông. Và có thêm nhà đầu tư X1 trong danh sách cổ đông. Cụ thể như sau:

A Phủ: 62.337%
Nhà đầu tư X: 15.583% - 5.714% = 9.869%
Nhà đầu tư Y: 0%(loại ra khỏi danh sách cổ đông)
Nhà đầu tư Z: 14.286%
Nhà đầu tư X1: 5.714%
Nhà đầu tư Y1: 7.794%

Tiếp tục phát triển dự án, đàn lợn con đầu tiên của A Phủ nay đã có thể xuất chuồng, có thể bắt đầu có doanh thu nhưng số tiền của nhà đầu tư Z đã bị tiêu hết. Vậy nên họ lại tiếp tục định giá lại dự án và gọi vốn đầu tư thêm một lần nữa.


GIAI ĐOẠN 4

Lúc này, dự án đã khả quan hơn, tươi sáng hơn có thể có doanh thu luôn và khả năng phát triển rất tốt, nên các nhà đầu tư mạnh dạn định giá cho dự án này ở mức 500 triệu đồng.
Khối tài sản của các cổ đông tiếp tục tăng lên:

A Phủ: 62.337% - tương đương: 311,685 triệu đồng
Nhà đầu tư X: 9.869%- tương đương: 49.345 triệu đồng
Nhà đầu tư Z: 14.286% - tương đương: 71.43 triệu đồng
Nhà đầu tư X1: 5.714% - tương đương: 28,57 triệu đồng
Nhà đầu tư Y1: 7.794% - tương đương: 38.97 triệu đồng

Lúc này, nhà đầu tư T, đã theo dõi quá trình phát triển của dự án khá lâu, nhưng vì sợ rủi ro nên ông chưa dám đầu tư, ngay khi ông nghe tin sắp có sản phẩm và doanh thu từ đàn lợn nên ông T mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng ở giá trị định là 500 triệu, tổng giá trị định giá hiện tại là 600 triệu và tỉ lệ cổ phần được phân chia lại như sau:

A Phủ có 311,685 triệu đồng – Tương đương: (311.685/600)x100 = 51.9475%
Nhà đầu tư X có 49.345 triệu đồng – Tương đương: (49.345/600)x100 = 8.2241%
Nhà đầu tư Z có 71.43 triệu đồng – Tương đương: (71.43/600)x100 = 11.905%
Nhà đầu tư X1 có 28,57 triệu đồng – Tương đương: (28.57/600)x100 = 4.7617%
Nhà đầu tư Y1 có 38.97 triệu đồng – Tương đương: (38.97/600)x100 = 6.495%
Nhà đầu tư T có 100 triệu đồng – Tương đương: (100/600)x100 = 16.6667%

Có tiền từ nhà đầu tư T, A Phủ tiếp tục làm việc, thuê chuyên gia, nhân sự, mở rộng mạng lưới bán sản phẩm… tăng trưởng quy mô doanh nghiệp. Tiếp tục các vòng gọi vốn sau với hình thức tương tự.

Sau khi Sản phẩm của A Phủ rất tốt, mọi việc đi đúng hướng, mang lại lợi nhuận, sau nhiều vòng đầu tư, anh quyết định công khai doanh nghiệp (go public), niêm yết công ty lên sàn, hay gọi là IPO.


Về bản chất, IPO chỉ là một cách khác của việc kêu gọi đầu tư, nhưng lần này bạn có thể nhận tiền từ hàng triệu người. Thông qua việc IPO, công ty có thể bán cổ phần trên thị trường chứng khoán, và ai cũng có thể mua cổ phần của công ty bạn. Do đó, bạn có thể nhận được tiền đầu tư dễ dàng hơn thông qua việc bán bớt cổ phần, đây chính là lý do đầu tiên. Lý do thứ hai, trước khi IPO, những người tham gia vào dự án của bạn, bao gồm cả bạn đều giữ những cổ phiếu giới hạn – restricted stock. Bạn không thể chỉ đơn giản mang những cổ phiếu này ra chợ và bán để lấy lại tiền, vì chúng chưa được chứng thực bởi cơ quan chức năng. IPO sẽ làm việc này. Vậy nên, trước khi được kiểm chứng, ai dám chắc bạn không treo đầu dê bán thịt chó, ai dám chắc những người mua cổ phiếu của bạn sẽ không bị lừa đảo. Chính nhờ IPO, bạn và các nhà đầu tư khác có thể bán, biến lượng cổ phiếu này thành tiền thật.



LÀM THẾ NÀO ĐỂ KÊU GỌI VỐN ĐẦU TƯ

Trên thực tế, để gọi vốn cho 1 ý tưởng và một bản kế hoạch kinh doanh trên giấy là cực kỳ khó và tỉ lệ thành công rất thấp. Nhà đầu tư họ muốn thấy được cái gì đó hữu hình có thể cầm, nắm, cân, đo, đong, đếm và định giá được. Họ muốn hấy quá trình hình thành, thấy các bước phát triển. Họ muốn thấy xương, máu của người sáng lập đã đổ ra sao? Thấy kinh nghiệp quản trị, khả năng điều hành, chất lượng của đội ngũ sáng lập như thế nào?

Để thuyết phục nhà đầu tư không những phải có ý tưởng, kế hoạch rõ ràng cụ thể và điều quan trọng nhất là tiềm năng phát triển, khoản lợi nhuận mà họ có thể có được khi đầu tư vào dự án của bạn.
Ba năm nữa nó ra sao, năm năm nữa nó sẽ trở thành cái gì?

Bạn cần phải đưa ra những thông số cụ thể, những kết quả mà bạn và đội nhóm đã thực hiện được. Nếu bạn không dám đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc của bạn để hiện thực hóa ý tưởng của bạn thì ai dám tin bạn?

Ý tưởng tốt, kế hoạch tốt chỉ là một phần. Tất cả mới chỉ ở trên giấy. Điều quan trọng nhất là khả năng thực thi, khả năng hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm. Hãy hành động để show kết quả, show các bước tiến, các giai đoạn và cho nhà đầu tư thấy. Đừng bao giờ quá tự hào về ý tưởng của bạn nó chẳng đáng giá 1 xu nào cả khi nó ở trên giấy. Đối với tôi, những ý tưởng thuộc loại độc nhất hay chưa ai làm đều có nghĩa là mọi người chưa có nhu cầu hoặc thị trường không đủ lớn. Hãy trả lời câu hỏi tại sao chưa ai làm? thay vì vỗ ngực tự hào về điều đó.


Khi nhận được đầu tư, không có nghĩa là bạn nhận được đủ số tiền nhà đầu tư cam kết đầu tư cho bạn. Họ sẽ giải ngân theo từng giai đoạn và có thúc ép tăng trưởng ứng với từng giai đoạn đó. Nếu bạn không đưa dự án phát triển theo đúng cam kết khi nhận tiền từ quỹ đầu tư, rất có thể họ sẽ ngừng giải ngân cho các giai đoạn tiếp và nếu tỉ lệ cổ phần của nhà đầu tư cao hơn của bạn thì việc bạn bị đá ra khỏi dự án do mình sáng lập ra cũng chẳng có gì bất ngờ cả.

Ví dụ: bạn nhận được gói đầu tư là 100 triệu đồng. Công việc của bạn sẽ phải tăng trưởng dự án để có được mức định giá cao hơn. Cụ thể biến dự án được định giá từ 300 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
Giai đoạn 1: Rót 30% gói đầu tư, tương đương 30 triệu đồng, bạn phải phát triển lên một tầm nào đó để mức định giá doanh nghiệp khoảng 350 triệu.
Giai đoạn 2: Rót thêm 30% nữa, bạn phải đưa mức định giá lên khoảng 400 triệu.
Nếu đưa lên được, bạn được rót thêm gian đoạn 3, không đưa lên được thì có thể ngừng rót vốn hoặc xử lý theo cam kết với nhà đầu tư.

Vậy nên, gọi được vốn đầu tư, không sướng như bạn nghĩ đâu. Đôi lúc vì sức ép từ nhà đầu tư, bạn phải làm những việc, làm sản phẩm không đúng với triết lý ban đầu của bạn, thay vào đó bạn phải làm mọi việc để nâng cao giá trị định giá.

Khi dự án càng rõ ràng, mục tiêu, kế hoạch, sản phẩm càng cụ thể thì giá trị định giá của doanh nghiệp càng cao. Bạn, đội nhóm của bạn càng phát triển được nhiều trong sản phẩm thì số lượng cổ phần của các bạn càng nhiều.

Khi gọi được vốn, đừng vì danh vọng đừng vì ảo tưởng báo chí mà kêu thật nhiều, gọi thật lắm, rồi có lúc bạn sẽ phải ân hận vì điều đó.

Hãy gọi số vốn vừa đủ để phát triển cho từng giai đoạn. Nếu thực sự tâm huyết và đam mê với sản phẩm hãy tỉnh táo và luôn dành thế chủ động trong đàm phán và quyền quyết định doanh nghiệp.

Thay vì chọn nhà đầu tư nhiều tiền, hãy chọn những nhà đầu tư cùng ngành, cùng lĩnh vực với dự án mà bạn đang phát triển. Đôi lúc, những hỗ trợ, kinh nghiệm, hướng dẫn, mối quan hệ và hệ sinh thái sản phẩm từ nhà đầu tư có giá trị hơn nhiều lần số tiền họ đầu tư.

Cách tốt nhất là liên tục phát triển và dành hết tâm sức cho dự án. Nhà đầu tư, họ rất nhậy cảm với tiền và lợi nhuận. Ở đâu có lợi nhuận, có tiềm năng thì chắc chắn có nhà đầu tư. Hãy khiến họ đến và xin được đầu tư vào dự án của bạn, thay vì đi gặp và thuyết phục họ.


Trên đây là đôi dòng tâm sự, kinh nghiệm, kiến thức và trải nghiệm của tôi. Và bạn đã đọc đến trang thứ 6 của khổ a4 rồi đấy. Hành động đi, người kiên trì như bạn mà không thành công thì khó ai có thể thành công được đâu. Thật đấy !

Charles.Hieu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét