Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

CHÚNG TA LÀ HÌNH HAY LÀ BÓNG


Nhà văn Đan Mạch Andersen có một cậu chuyện về cái bóng của một nhà bác học, một hôm được ông cho phép được rời khỏi mình đi lại tự do. Ngày nọ, cái bóng quay trở về, sang trọng và giàu có đến mức ông không nhận ra. Rồi đến khi, nhà bác học lại trở thành cái bóng của chính cái bóng mình, và cuối cùng bị nó giết chết. Câu chuyện tôi đọc từ lúc bé thơ, nhưng mãi ám ảnh về những gì lẽ ra lệ thuộc vào con người lại trở nên ghê gớm đến nỗi có thể biến chúng ta thành nô lệ của chúng…

Thời gian này, trên mạng xã hội facebook vẫn còn thấy đường link của những trang blog vốn rất “ăn khách” từ mấy năm trước. Chủ nhân các blog phải nhờ đến mạng xã hội để chuyển thông tin không phải là không có lý do, lượng người sử dụng và thời gian truy cập các mạng xã hội đã tăng rất nhanh, hơn gấp ba lần chỉ trong vòng ba năm qua (theo dữ liệu của comSore) và dĩ nhiên, theo đó độc giả của blog cũng giảm xuống gần như tương ứng.

Một bloger nói “mạng xã hội nhảm nhí, chỉ toàn khoe hình ảnh sinh hoạt vớ vẩn, khoe con cái,…”. Tuy nhiên nhận xét đó không làm chậm đi được trào lưu mạnh mẽ này. Theo một nghiên cứu đăng trên tờ New York Times năm ngoái, blog chỉ còn phù hợp với những người lớn tuổi, những người có khả năng (và thích) viết dài, phân tích sâu. Nhưng giờ đây, dù muốn hay không, họ cũng phải làm quen với mạng xã hội do phần đông độc giả của họ và giới trẻ đã chuyển hẳn sang mạng xã hội, nhất là Facebook, nơi mỗi cá nhân có thể thể hiện và cập nhật mình bằng rất nhiều cách vừa dễ, vừa nhanh, gọn, đồng thời vẫn giữ được kết nối với bạn bè và người thân.


Các nhà nghiên cứu về văn hóa mạng cho rằng, sự thoái trào của blog và sự lên ngôi của mạng xã hội liên quan đến việc giới trẻ ngày càng ít có thời gian để suy nghĩ sâu và viết về những câu chuyện trong cuộc sống, mà thay vào đó là mô tả những tình trạng, diễn biến ngay tức thời. Điều này có nguyên nhân từ việc phần lớn cư dân mạng đang chuyển sang truy cập Internet bằng các thiết bị d động vì nó thuận tiện hơn, mọi lúc, mọi nơi. Và điện thoại di động với màn hình nhỏ, và không có bàn phím như máy tính, thì phù hợp với những gì ngắn gọn và nhanh nhất, như những dòng trạng thái và hình ảnh chớp nhoáng kiểu “đang ăn trưa ở nhà hàng XYZ cùng với A,B,C”.

Các nhà nghiên cứ lưu ý rằng, điều đó có nghĩa là chính các phương tiện đang định dạng một thế hệ mới với văn hóa và cách thể hiện bản thân mới. Nghĩa là, không phải phương tiện sinh ra để phục vụ con người, mà con người đang trở thành nô lệ của phương tiện. Đó là lý do tôi lại nhớ lại câu chuyện Cái bóng của Andersen.

Một cô bạn theo tôi về quê mấy ngày và nhờ tôi dẫn đi chơi. Dĩ nhiên là tôi rất vui lòng. Chỉ có điều, suốt cuộc đi chơi, cô ấy hầu như không chú ý gì đến cảnh vật, con người, lịch sử của một nơi chốn mà tôi rất sẵn lòng giới thiệu. Nếu không phải đang “online” trên điện thoại, thì cô ấy cũng liên tục tạo dáng và nhờ tôi chụp hình ảnh cô ấy ở mọi nơi, mọi tư thế. Để đưa lên Facebook, cô nói.

Mỗi ngày bình thường, cô cũng đã đưa lên mạng xã hội không ít hơn vài ba cập nhật, về mọi hình ảnh mình hiện diện ở khắp nơi, từ ăn uống, làm việc, vui chơi, và những câu trạng thái thể hiện mình là một cô gái đẹp, sành điệu, thông minh, quyến rũ và thành đạt…Cô nhận vô số lời bình khen ngợi, ngưỡng mộ từ các “fan” nam, nữ. Một lần gặp lại cô, tôi hỏi, em đang rất hạnh phúc và mỹ mãn phải không, theo những gì chị thấy trên Facebook. Cô nói, nhìn vậy thôi chị ạ, em có nhiều chuyện buồn phiền, em thật sự đang rất khủng hoảng và hoang mang. Thế nhưng chẳng có ai để em chia sẻ điều đó cả.

Tôi không thể giúp gì được cho cô bởi chính cô đã xây dựng nên chân dung của bản thân mình theo cách đó, và trở thành nạn nhân của nó. Càng cô đơn và hoang mang, cô gái càng tiếp tục tự xây dựng nên một hình ảnh hào nhoáng về bản thân, và càng ngày càng khó quay trở về con người thật của bản thân mình. Tôi không giúp gì được co cô cũng như trong chuyến đi chơi chung ấy đã không thể chỉ cho cô thấy những điều rất đẹp của một nơi chốn mà nếu muốn biết, cô cần có thời gian và một đời sống nội tâm bình yên để quan sát, lắng nghe và cảm nhận.

Cô gái, cũng như rất nhiều thành viên của các mạng xã hội - nhất là giới trẻ, đang xây dựng ở đó một cái bóng lộng lẫy của mình, và rồi lại trở thành nô lệ của nó.

Và nếu đó không phải là một hình ảnh thật, hãy nhớ rằng, không phải mọi sẻ chia, quan tâm, những phản ứng của những thành viên khác cũng hoàn toàn là thật. Có khi nhấn nút “like” (ưa thích) chỉ vì muốn được người ta “like” lại. Có khi tưởng mình biết nhiều về một người, chỉ vì thông tin người ấy cập nhật thường xuyên, mà không phải vì mình thực sự quan tâm và được người ấy thực sự chia sẻ. Có những bạn trẻ có hàng ngàn bạn bè trên Facebook và trở thành “hotboy”, “hotgirl”, nhưng không có lấy một người bạn tâm giao thật sự cho mình. Đã có những nghiên cứu ban đầu về những người bị tổn thương, khủng hoảng tâm lý và cảm thấy bị phản bội, bị xâm phạm đời tư về những ảo tưởng trên mạng như thế.


Quay lại chuyện cái bóng, lớn lên đọc lại, tôi biết rằng đó là một ẩn dụ nhiều tầng lớp. Không phải tại cái bóng quá ghê gớm, mà vì nhà bác học đã không kiểm soát nó, đã quá coi trọng nó, không xem nó là cái bóng như đúng ra nó phải thế. Và nhà bác học cũng không phải bị giết chết như trong truyện đã kể. Thật ra ông vẫn sống, ông chính là cái bóng đó, nhưng không còn là ông nữa. Đó là một cái chết từ từ, êm ái, chết lúc nào không hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét