Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

HỒI CHƯA CÓ ĐIỆN THOẠI


Mấy tháng nay, tôi giận một người bạn chỉ vì gọi điện cho anh không được, mặc dù điện thoại anh vẫn đỗ chuông. Tôi gọi cho anh, không có việc gì phức tạp đến nổi anh phải né tránh, chẳng qua là gọi để chia sẻ công việc trồng phong lan. Như anh từng nói với tôi, phong lan có sức quyến rủ kỳ lạ, hễ dính vào nó là đam mê, mà khi đã đam mê thì cần có người chia sẻ. Nhưng khi tôi cần anh chia sẻ thì gọi điện anh không bắt máy.

Từ khi loài người sáng chế ra cái điện thoại di động, nó mang lại cho đời sống chúng ta hàng trăm thứ tiện ích và hữu ích, nhưng, có lẽ nó cũng mang lại cho chúng ta một nỗi bực mình khi gọi hoài mà bên kia không cất tiếng a-lô.

Lúc đầu, tôi tự an ủi mình bằng ý nghĩ rằng chắc anh quá bận với công việc giảng dạy ở các trường đại học. Nhưng dần dà, tôi hiểu đó không phải là lý do, bởi dù bận đến đâu thì cũng có giờ nghĩ trưa, cũng còn buổi tối, khi mở máy ra, nó hiện lên bao cuộc gọi nhỡ, bao tin nhắn mới.

Nhiều người, nhất là những người nổi tiếng, những người có quyền cao, hoặc những kẻ lắm tiền, khi thấy điện thoại hiện lên số lạ, họ không bắt máy. Nhưng tôi không thuộc ba loại người trên, tôi có thói quen, mỗi khi thấy cuộc gọi nhỡ, dù là số lạ, tôi vẫn phải gọi lại để xin lỗi vì sao lúc đó tôi không bắt máy, vì bỏ quên điện thoại ở đâu đó, hoặc vì lúc đó hai tay đang làm việc dưới nước, dưới bùn. Bởi tôi nghĩ rằng, khi người ta gọi đến mình, chắc hẳn phải có một nhu cầu tối thiểu.

Tôi có người bạn, cách đây hai năm, thỉnh thoảng anh đến cơ quan hoặc đến nhà tìm tôi mà không hề báo trước. Tôi nói sao không gọi điện báo một cái, lỡ tôi đi vắng thì sao, anh cười, nói quen rồi, cái thói quen hồi chưa có điện thoại.


Hồi chưa có điện thoại ! Một câu nói bình thường mà gợi biết bao kỷ niệm buồn vui. Cách đây hơn ba mươi năm, tôi làm việc cho một tiệm vẽ truyền thần ở một góc phố Cà Mau. Có một chiều cuối năm, chạnh lòng nhớ người bạn gái ở ngoại thành, tôi lội bộ đi thăm, lang thang trên con đê dài hơn mười  cây số. Khi đến chỗ con đập cách nhà cô ấy vài trăm mét thì mới hay đập bể, nước chảy băng băng như cắt, trời chạng vạng, ngồi chờ hơn nửa giờ không thấy xuồng qua. Nhìn mặt nước rộng gần hai mét, tôi cứ phân vân, không lẽ lội bộ trở về. Cuối cùng, tôi lấy hết sức lực, co giò nhảy qua. Một cái bùm ! Tôi hì hục chiến đấu với dòng nước siết, mất mấy phút mới leo được lên bờ. Trong bóng đêm, gió bấc thổi vù vù, lạnh cóng, lại phải đứng trước sự phân vân, không thể mang cái thân ướt đẩm thế nầy bước vô nhà cô ấy, lại càng không thể chịu lạnh trở về trên đoạn đường hơn mười cây số. Chợt nhớ có nhà thằng bạn ở cách nhà cô ấy vài ba trăm mét, tôi co người, cắn răng chạy đến. Nó lấy quần áo cho tôi thay rồi luộc con gà, hai thằng ngồi nhậu.

Sáng hôm sau, tôi hình dung một cuộc gặp gỡ, cô ấy sẽ cảm động biết chừng nào khi nghe tôi kể về tai họa của con đập bể. Nhưng than ôi, cô ấy đã xuống tàu đò đi chợ lúc hừng đông ! Thơ thẩn, ngậm ngùi, tôi lang thang trở lại. Cũng may, con đập bể giờ đã có ai đó bắc chiếc cầu tạm đi qua. Gần ba giờ sau, tôi trở về tiệm vẽ, chị bán thuốc lá phía trước cho hay: “Có một cô gái đứng ngoài cửa tiệm chờ cậu hơn tiếng đồng hồ, tôi nói chắc là hôm nay cậu đến trễ, chờ hoài không được, cổ mới vừa đi”. Tôi hỏi chị thấy cô ấy ra sao, chị nói ngắn gọn: “ Cao ráo, tóc dài chấm lưng, cặp mắt buồn buồn, mặt hiền, rất dễ thương”. Vậy là đúng rồi ! Tôi co giò chạy xuống bến tàu, nhưng lại than ôi ! Tàu vừa xuất bến ! Tôi chỉ kịp thoáng thấy “ cặp mắt buồn buồn, mặt hiền, rất dễ thương”.

Rồi vì cuộc mưu sinh, tôi làm kẻ giang hồ vặt, mất liên lạc mấy năm, cô ấy lấy chồng, chưa kịp nghe tôi kể câu chuyện về một buổi chiều chạng vạng, gió bấc thổi vù vù, có một gã si tình loi ngoi giữa con đập bể ...

Hôm qua, con gái tôi từ bên kia bờ đại dương gọi điện về, nói cha lên skype, mang laptop ra vườn cho con xem cây trái, phong lan nhà mình bây giờ ra sao. Lúc ấy tôi đang nằm đọc Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, đoạn nói về Tổng binh Trần Thượng Xuyên và Tổng binh Mạc Cửu. Chẳng có gì gọi là sự trùng hợp ngẩu nhiên giữa cú điện thoại của con gái và những câu chuyện trong sách, nhưng tôi lại nghĩ ngợi lung tung. Rằng, năm 1679, Trần Thượng Xuyên cùng ba ngàn tàn quân của nhà Minh sang nước ta tỵ nạn nhà Thanh, Chúa Nguyễn mở lòng đón nhận, phong cho ông chức Tổng binh và cho khai phá đất Đồng Nai, lập nên Đại phố châu đồ sộ. Cũng thời điểm ấy, Mạc Cửu, cũng một di thần nhà Minh từ Lôi Châu sang khai phá đất Hà Tiên, lập nên tiểu vương quốc và xin làm thuộc quốc của nhà Nguyễn. Câu chuyện lịch sử của người Minh Hương ai cũng biết, nhưng bất ngờ từ cú điện thoại của con gái từ bên kia bờ đại dương gọi về đòi lên skype để xem khu vườn, cây trái, phong lan với khoảng cách nửa vòng trái đất làm cho những câu chuyện trong sách bật lên trong tôi câu hỏi, rằng, khoảng cách giữa hai miền đất Đồng Nai với Hà Tiên của hơn ba trăm năm trước là rừng thiêng nước độc, là sông núi cách ngăn, vậy thì bằng cách nào để hai vị tướng ấy kết nghĩa thông gia: Trần Đại Định - con trai của Trần Thượng Xuyên kết hôn với Mạc Thị Kim Lan - con gái Mạc Cửu ? Trần Đại Định sau khi nối ngôi Trần Thương Xuyên, bị tướng Phúc Vĩnh vu oan và chết oan trong ngục thất, anh trai của Mạc Thị Kim Lan là tướng Mạc Thiên Tứ cho người ra Trấn Biên rước em gái của mình trở về với đất Hà Tiên.

Phải chăng, người xưa giải thích rằng: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ ?


Hồi chưa có điện thoại !

Một hôm, những thằng bạn cũ gặp nhau, đứa nầy nhìn tóc đứa kia, những mái đầu lơ phơ sợi trắng, nhắc lại những câu chuyện của ba mươi năm về trước, “hồi chưa có điện thoại”, nhớ nhau là cỡi xe đạp đi tìm, không hẹn trước, vậy mà cứ quây quần, bù khú, rượu cây lý, bia lên cơn, cóc ổi vỉa hè. “Hôm qua tao tìm mầy cả buổi”, những lời trách móc nghe sao mà quá dễ thương, những câu chuyện tìm nhau của cái “hồi chưa có điện thoại”, bạn đi tìm bạn, cha đi tìm con, con đi tìm cha, chồng đi tìm vợ, vợ lặn lội tìm chồng, người yêu tìm kiếm người yêu... những chuyến xe, chuyến tàu băng qua bao vạn lý, chở nặng nỗi nhớ thương và khát vọng... Những câu chuyện cảm động ấy tưởng như mới hôm qua mà đã trở thành cổ tích khi điện thoại, tin nhắn, mail, chat, skype... rút ngắn khoảng cách giữa con người, thu hẹp trái đất trong chiếc iphone.

“Hôm qua tao tìm mầy cả buổi !” Lời trách dễ thương ấy giờ được thay bằng câu nói bực mình: “Hôm qua tôi gọi mấy lần mà anh không bắt máy”, hoặc: “Tôi nhắn tin, tôi gởi mail mà không thấy anh trả lời”.

Nghĩ tới nghĩ lui, dường như tôi không còn buồn giận cái anh bạn trồng phong làn của tôi nữa, bởi người xưa đã nói: Vô duyên đối diện bất tương phùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét