Nhà
tôi có sáu người nhưng không hề ồn ào. Ba người đi làm, ba người đi học. Mỗi
người có riêng một cái máy tính. Trong nhà gắn cái bộ phát wifi. Bất kể sáng,
trưa, chiều, tối, đêm, khuya, mạnh ai cứ ngồi lỳ bên máy, hai bên đầu gắn hai cục
tai nghe, gọi mãi cũng không biết mà thưa. Đang im lặng thế, nhưng hễ rớt mạng
là tất cả cùng kêu thét, rồi than thở, trách móc, rủa sả… lời lẽ giống y như
nhau, như sáu con rô bốt xài chung một cái nút bật tắt vậy.
Nhớ
hồi trước năm 2000, khi tôi làm hợp đồng gắn internet, thằng cháu 10 tuổi cảnh
giác: “Coi chừng cái internet nó dụ dỗ, bắt cóc con nít đó”. Cũng tại cháu đọc
báo nhiều nên thấy sợ. Báo đăng tin trẻ con (nước ngoài) lên mạng chơi, gặp kẻ
xấu, bị chúng bày mưu gọi ra khỏi nhà, rồi uy hiếp, đòi người thân trả tiền chuộc.
Nhưng cũng có tin, (cũng ở nước ngoài) một người bệnh nặng, nhưng không có ai
bên cạnh, nhờ lên mạng mà thông báo được mấy lời kêu cứu cho mọi người biết. Dù
ngại hay sợ thì tôi vẫn phải gắn mạng vì công việc đòi hỏi. Và tự nhủ mình sẽ
kiểm tra, sẽ hạn chế thời gian đối với bọn trẻ trong nhà.
Cái
hồi mới hòa mạng internet, điều làm tôi sung sướng nhất là tôi và bà chị thỏa
thích viết thư kể chuyện nhà. Viết xong, cứ ngồi tại chỗ mà gửi đi. Chẳng cần
thay đồ, chạy ra bưu điện, mua một con tem. Thư đã gửi có thể được đọc ngay, trả
lời ngay, chẳng khác gì đang nói chuyện bằng điện thoại, không cần phải chờ tới
nửa tháng mới được phát. Riêng ba tôi thì sung sướng, từ nay đỡ tốn tiền tặng
ông đưa thư uống nước.
Hồi
đó, ai có địa chỉ email là người đó có công ăn việc làm đặc biệt lắm. Bây giờ,
ai không có mặt trên một cái mạng xã hội nào đó, mới là kỳ cục.
Hôm nọ, có ông người quen, ông này khoảng chừng bảy mươi tuổi, nhân ngày sinh của mình đã viết còm men đại khái rằng: trời ơi tôi thật là cảm động, từng tuổi này rồi, mới vô facebook có được mấy ngày mà được biết bao người gần xa chúc mừng sinh nhật, xin cám ơn tất cả mọi người. Tôi chợt nghĩ lại mình, có lúc vào trang nhà thấy treo lời nhắc: tuần này có mấy cái sinh nhật của bạn bè đấy, phải chúc mừng đi, nhớ chúc mừng nhé. Nhưng tôi thường quên mất. Để chuộc lỗi, nhân ngày 21 tháng 6, ngày 27 tháng 2, tôi lọ mọ tra tìm danh sách ngươi quen, gửi lời chúc mừng nghề nghiệp. Có người trả lời cảm ơn, có người lặng im không nói gì hết. Hôm lễ nhà giáo, trong danh sách học trò tôi có, đâu phải tất cả đều nhắn mấy lời chúc tôi vui vẻ, mạnh khỏe trên con đường dạy dỗ trẻ con. Rồi tới Noel, tới Tết, lời chúc mọi sự tốt lành cứ hiện lên ào ạt như cỏ mọc sau mưa.
Thấy
vậy mà không phải vậy, ai chẳng biết mạng là xã hội ảo, không có thật. Cũng như
coi phim trong rạp 4D thôi. Mặc dù thằng nhóc phun nước miếng dính tùm lum mặt
mũa khán giả, nhưng nước đó phóng ra từ hệ thống phun trong rạp chiếu phim.
Mình nói chuyện vui vẻ với hàng đống người, nhưng thật tế có thể chưa gặp mặt
nguời nào hết. Mà nếu có gặp cũng rất khó biết. Chỉ có mấy kẻ thiếu tự tin (hay
thành thật?) mới đưa cái mặt trên giấy tờ tùy thân của mình làm avatar, lấy tên khai sinh của mình làm thẻ
thông hành đi vào thế giới ảo. Còn biết bao kẻ khác ẩn mình sau cái lá, con
sâu, chiếc xe…, với danh xưng vừa lạ vừa kỳ. Chỉ không hiểu, tại sao có quá nhiều
người có nhu cầu bày tỏ tâm sự trên cái chỗ ảo hình, ảo ảnh đến thế. Hôm nay vừa
ăn gì, hoặc đang buồn ngủ ríu mắt cũng sẵn lòng chia sẻ với friends. Họ quá rảnh rang ? Hay là quá
cô đơn ?
Gần
đây, tôi thấy mấy người nói chuyện, gửi hình với mình có kèm theo nguồn gốc cái
nơi phát ra tin nhắn. Kinh quá ! Bây giờ lên mạng bằng điện thoại còn phổ biến
hơn là ngồi trước màn hình máy tính cá nhân nữa. Nghĩa là, ai cũng vào mạng dễ
như không. Chẳng phải chạy ù về nhà, hoặc nấn ná ở lại làm việc để có mạng mà
vào. Chẳng cần ra tiệm nét, trả tiền thuê máy.
Vậy
là giữa chốn chợ đời cũng vào mạng được. Mạng có rộng chỗ cho tất cả. Học trò
đi học gặp nhau trong lớp chưa đủ, hết giờ ở trường về nhà lại lên mạng, nói với
nhau vài ba câu nhăng nhít bằng thứ ngôn ngữ lạ thường. Chữ viết thì rã rời, lụn
vụn, biến dạng, từ ngữ thì biến âm, dị nghĩa, chỉ có giữa chúng với nhau mới đọc
ra, mới hiểu tận tường.
Có
thầy cô giáo trường tôi lần lượt lên facebook, đăng hình ảnh, kết bạn với nhau
rầm rộ. Học trò tình cờ nhìn thấy, chạy vào tấp nập chào hỏi, rủ chơi game, mời
mọc mua đủ thứ đồ hàng trôi nổi… Cứ vậy mà có khối người khai báo, đã kết bạn đến
hơn số hàng ngàn.
Cũng
có người nói, cái này (ví dụ facebook) không thích, không chơi, mất thì giờ,
không có nhu cầu.
Nhưng
số đó bây giờ ít lắm, chỉ ở hàng đơn vị.
Hay là họ giống thằng cháu 10 tuổi của tôi thời đó ? Đến nay nó vẫn chưa suy chuyển tinh thần cảnh giác cao đối với mạng. Không nói nhiều, không bày tỏ riêng tư mặc dù suốt ngày, nó phải làm việc với cái máy, rảnh thì cũng chơi với cái máy, lang thang khắp bốn phương tám hướng đi tìm những hội yêu mèo, thích khoe mèo đẹp, sưu tầm mèo lạ. Nó có nhiều hội bạn, nhưng chẳng thấy đi chơi với đứa bạn bằng xương bằng thịt nào trong đó. Nó nói, mạng ấy mà, biết thật giả chỗ nào đâu.
Hay là họ giống thằng cháu 10 tuổi của tôi thời đó ? Đến nay nó vẫn chưa suy chuyển tinh thần cảnh giác cao đối với mạng. Không nói nhiều, không bày tỏ riêng tư mặc dù suốt ngày, nó phải làm việc với cái máy, rảnh thì cũng chơi với cái máy, lang thang khắp bốn phương tám hướng đi tìm những hội yêu mèo, thích khoe mèo đẹp, sưu tầm mèo lạ. Nó có nhiều hội bạn, nhưng chẳng thấy đi chơi với đứa bạn bằng xương bằng thịt nào trong đó. Nó nói, mạng ấy mà, biết thật giả chỗ nào đâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét