Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

ĐUA BÒ Ở AN GIANG

Vào cuối dịp tháng 8 âm lịch là dịp lễ Dolta, lễ cúng ông bà tổ tiên của người Khmer vùng Bảy Núi - An Giang luôn có hội thi đua bò truyền thống. Mỗi cuộc đua gồm có 2 cặp bò (luôn là bò đực) được ách vào một chiếc bừa đã được cưa ngắn răng, người điều khiển (được gọi là tài xế) đứng trên giàn bừa để điều khiển. 


Các đôi bò được bốc thăm để chọn vị trí đôi nào đứng trước hay sau. Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây xà-lui là một đoạn gỗ
ngắn có gắn đinh nhọn khoảng gần 3 cm ở đầu chích vào mông bò, bò bị đau sẽ phóng nhanh về phía trước. Cái khéo là phải chích cho đều cả hai con thì vận tốc của đôi bò mới như nhau.



Cuộc đua thường được chia làm 2 vòng: một vòng hô và một vòng thả. Vòng "hô" là vòng trình diễn và để bò khởi động, trong vòng này nếu đôi bò nào đạp vào bừa đôi bò khác hoặc điều khiển bò chạy vượt qua khỏi lằn ranh của chiều rộng đường đua sẽ bị loại. Gay cấn và hấp dẫn nhất của lễ hội bò Dolta chính là vòng "thả", đây chính là lúc tài xế thể hiện tài năng và bản lĩnh điều khiển bò của mình cũng như sức mạnh của đôi bò.


Trường đua thông thường là một thửa ruộng lầy. Đường đua dài 120m, còn lại hai đầu 40m là khoảng cách an toàn cho bò xuất phát và dừng lại tại điểm đích. Cạnh bên trường đua là một thửa ruộng nhỏ, nơi các cặp bò chuẩn bị trước khi vào đua. Người cầm vàm "tài xế" đứng trên chiếc bừa điều khiển đôi bò. 


Mỗi vòng đua từng cặp 2 đôi, đôi trước đôi sau tùy theo thỏa thuận hoặc bốc thăm. Với những chiếc lục lạc vàng ánh, chiếc ách sơn phết đẹp mắt, cặp sừng nhỏ nhắn khoác áo bông sặc sỡ, các đôi bò được bắt cặp chờ vào vòng đua. 


Sau hai vòng hô làm nóng, khi về tới điểm xuất phát, trọng tài sẽ phất cờ cho các cặp bò bắt bước vào vòng "thả" (vòng đua chính). Đoạn thả quyết định phân thắng bại chừng hơn 100m, nếu đôi trước bị đôi sau đạp lên bừa hay qua mặt là đôi sau thắng. Cuộc đua cứ vậy, hết đôi này đến đôi khác, cuồng nhiệt trong tiếng reo hò cổ vũ của khán giả. 


Lễ hội đua bò thể hiện tinh thần thể thao đầy thượng võ lẫn tính nhân văn sâu sắc. Tình yêu thương của chủ đôi bò được thể hiện rõ nét từ khâu huấn luyện, chăm sóc cho đến lúc thi đấu, qua sự đồng cảm của người và vật trong cuộc đua... 


Dầu thắng hay thua ai nấy đều vui vẻ, và những đôi bò tham gia thi đấu sẽ được mang về nhà bồi dưỡng để phục vụ cho việc cầy cấy và huấn luyện để năm sau có thể thi đấu tiếp tục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét