Chuyện kể rằng, ở làng quê nọ có 3 chàng trai mang
theo bao nhiêu hoài bão cùng nhau tính kế rời làng đi tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Cả 3 đồng hành cùng nhau trên những quãng đường dài. Một
lần nọ, tình cờ nghỉ chân ở một thị trấn nhỏ ven rừng, cả 3 chàng trai phát hiện
ra nơi đây có một giống táo rất ngon, quả mọng đỏ, và đặc biệt là người dân ở
đây rất nhiều nhà trồng nên giá bán rất rẻ.
Nắm bắt được cơ hội làm giàu, cả 3 anh chàng quyết định
nán lại thị trấn một thời gian.
Sau mấy ngày dạo quanh làng tìm hiểu, người thứ nhất
quyết định bỏ hết tiền đang có, mua mấy xe táo loại ngon nhất mang lên thành phố
bán và được giá rất hời. Cứ như vậy, sau nhiều chuyến hàng, sau nhiều năm, anh
đã giàu lên, có của ăn của để.
Người thứ 2 lại nghĩ: “Sao mình không mang mấy cây về
quê trồng nhỉ. Chỉ mấy năm nữa mình đã có thể bán táo của chính mình”.
Nghĩ vậy, anh ta liền chia đôi số tiền mang theo, một
nửa đi mua một trăm cây giống, nửa còn lại anh cũng mua táo về bán kiếm tiền lời
ngay. Chỉ 3 năm sau, không những trở thành một thương gia có tiếng, anh chàng
còn là chủ một trang trại với hàng trăm cây táo, và là ông chủ của mấy chục
công nhân.
Còn lại anh chàng thứ 3, sau khi 2 người kia đã xong
việc về, anh vẫn quanh quẩn khu làng, tìm hiểu cả về đất đai, nguồn nước nơi
đây. Anh dần trở nên quen thuộc với mấy người trong làng.
Một tuần sau đó, anh đến gặp ông chủ vườn táo lớn nhất
làng, chỉ vào 1 gốc cây táo và hỏi: “Ông có thể bán cho tôi chỗ đất này không?”
Người chủ vườn táo vô cùng ngạc nhiên, nhìn anh thăm
dò nhưng vẫn nói: “Xin lỗi, tôi không thể bán được. Bán rồi thì cây này sẽ chết
mất!”
Chàng thanh niên mỉm cười, cúi xuống dùng tay bốc một
nắm đất rồi hỏi lại: “Vậy ông có thể bán cho tôi một nắm đất này không, tôi thực
sự rất muốn có nó”.
Thấy sự lạ, ông chủ nhìn anh vẻ trêu đùa, nhưng rồi
cũng thốt lên: “Được thôi, anh hãy đưa cho ta 1 đô la cho mớ đất ấy”.
Người thứ 3 mang nắm đất trở về quê hương, nhờ chuyên
gia phân tích chất đất, thành phần đất….Sau đó, anh thầu một quả đồi lớn, bắt đầu
cải tạo, nuôi dưỡng đất để nó giống chất đất anh mang về. Cũng phải 2 năm sau
anh mới có thể quay trở lại làng cũ, mua cây táo giống về trồng trên mảnh đất của
mình.
Bẵng đi 10 năm trôi qua, anh chàng thứ nhất nay đã có
biệt thự xe hơi, công việc làm ăn khấm khá, nhưng công việc làm ăn không còn được
khuếch trương như trước do nguồn hàng không ổn định, có sự cạnh tranh nên giá cả
tăng cao…
Người thứ 2 đã sớm có vườn táo của riêng mình. Sang
năm thứ 3 anh đã có thể tự thu hoạch táo và bán. Nhưng chỉ được mấy năm, số táo
đó trồng trên đất không phù hợp nên táo của anh ngày càng kém chất lượng, quả
không còn ngọt và mọng đỏ như trước. Anh mất đi những hợp đồng lớn, chỉ còn
tiêu thụ lượng nhỏ quanh vùng.
Người thứ 3 sau những miệt mài nghiên cứu đầu tư, đến
năm thứ 5 bắt đầu cho thành quả. Táo của anh được trồng trên đất phù hợp, cho
quả ngọt và chín đỏ như ở làng kia. Lái buôn thi nhau đến chỗ anh mua hàng.
Khi đã phát triển, có vốn trong tay, anh nhân rộng vườn
cây, lập công ty và tìm đầu mối xuất khẩu. Sau 10 năm anh đã là một doanh nhân
nổi tiếng trong ngành táo.
Thực ra ranh giới giữa thành công và thất bại cũng thường
rất mỏng manh. Cả 3 người đàn ông này đều có thể được xem là thành công trên
con đường khởi nghiệp của mình, tuy đích đến và quá trình không giống nhau.
Cùng xuất phát điểm giống nhau, nhưng tư duy và lối suy nghĩ khác nhau nên kết
quả hoàn toàn khác nhau.
Trong kinh doanh, hãy luôn đặt cho mình một đích đến để
phấn đấu. Và, luôn luôn chuẩn bị phương án hành động đối với mỗi tình huống xảy
ra, như thế mới có thể thành công.
Có một câu nói – một triết lý rằng “Một mảnh đất,
không hợp cho việc trồng lúa mạch, có thể trồng thử đậu; nếu đậu cũng không
thích hợp, có thể thử trồng dưa leo; nếu cả dưa leo cũng không được… thì rải
lên một ít kiều mạch nhất định cũng có thể nở hoa. Bởi vì một mảnh đất, luôn
luôn có một hạt giống thích hợp với nó, cuối cùng cũng sẽ có thành quả thu hoạch
trên mảnh đất đó thôi”. Trên thế gian này không ai là vô dụng cả, chỉ có điều
chúng ta không đặt họ đúng vị trí mà thôi.
Khởi nghiệp có đôi lúc sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử
thách, nếu kiên nhẫn trải qua bạn mới có thể đi đến cùng. Thành công là cả một
quá trình. Chỉ là bạn đi con đường nào để hoàn thành quá trình này thôi.
Anh chàng thứ nhất, cũng được xem là một khởi nghiệp
thành công. Với tố chất thương nhân, anh lập tức đã tìm được nguồn cung hàng
đưa về nơi có nhu cầu. Bên cạnh đó, anh “mua tận gốc” nên giá vốn bỏ ra thấp
hơn, lợi nhuận cao hơn.
Anh chàng thứ 2 luôn có suy nghĩ cẩn trọng, lại muốn
làm chủ. Anh sợ rằng một ngày nào đó nguồn cung không phù hợp, nên anh chuẩn bị
sẵn phương án. Bên cạnh đó, anh là một người thức thời, lại giỏi trong tìm
phương án thay thế. Anh xác định cần kinh doanh ngay “lấy ngắn nuôi dài”, cũng
cần chuẩn bị cho tương lai dài lâu. Anh sớm trở thành ông chủ và có sự nghiệp
riêng cho mình.
Anh chàng thứ 3 là người đầy tính kiên trì. Anh chấp
nhận bỏ ra 2 năm để nghiên cứu, 3 năm để ươm trồng. Thành quả anh nhận được
cũng lớn hơn 2 người bạn. Sau 5 năm, lượng cung hàng anh ổn định, tại chỗ, giá
rẻ giúp anh thu được nguồn lợi lớn, dễ mở rộng sản xuất kinh doanh. Anh có cơ hội
xây dựng, phát triển sản phẩm của mình thành “chuỗi” bằng cách nhân rộng mô
hình. Anh trở thành một doanh nhân.
Chúng ta luôn có xu hướng chỉ nhìn vào sự khác biệt lớn
giữa những người giàu và người nghèo mà bỏ qua quá khứ của họ. Bởi người giàu của
ngày hôm nay cũng có thể là người nghèo của ngày hôm qua, còn người nghèo của
ngày hôm nay cũng có thể là người giàu của ngày mai. Người giàu và người nghèo
có thể họ cũng đã từng đứng trên cùng một vạch xuất phát, thế nhưng kết quả của
họ lại hoàn toàn khác nhau. Vậy sự khác biệt của họ cụ thể là bao xa?
“Muốn thành công, bạn phải dấn thân vào những con đường
mới, chứ không phải đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa
nhận”. John D. Rockefeller đã từng nói vậy.
Nhìn vườn táo, cả 3 chàng trai đều nghĩ ra cách kinh
doanh kiếm lợi. Nhưng mỗi người có suy nghĩ khác nhau, nên mức thành công của mỗi
người cũng khác nhau. Không đi theo lối mòn định sẵn, nên anh thứ 3 đã thành
công hơn.
Nó cũng giống như bạn làm và nhận lương. Là nhân viên,
bạn mong đến ngày đến tháng để nhận lương – và đó là thành quả của bạn. Là ông
chủ bạn nhận “lương” mỗi khi hoàn thành một thương vụ, một dự án kinh doanh. Thế
nhưng, nếu là doanh nhân với tầm nhìn và xu hướng phát triển trong nhiều thập kỷ,
bạn sẽ là người có thu nhập cao nhất.
Lựa chọn nào cũng song hành cùng cái giá của nó. Chúng
ta không thể ép ai đó giống mình, nhưng quan trọng nhất là chúng ta biết mình
có quyền lựa chọn sẽ trở thành một sản phầm như thế nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét