Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

TÂY NAM BỘ


Tôi gắn bó với miền Tây sông nước 18 năm. Đối với nhiều người, 18 năm đó như chỉ thoáng qua, nhưng với tôi, khoảng thời gian ấy đủ dài để tôi thấy yêu và nhớ quê khi lên thành phố học. Sài Gòn xa hoa, tráng lệ quá, và có lẽ vì thế mà nhiều người trẻ như tôi thích nó hơn thích quê. Nhưng sao ở đây, tôi nhớ quê mình quá, chỉ muốn được về, về với vùng đất yên ả thanh bình ấy thôi.


Tôi yêu quê tôi, yêu những ngày thơ ấu chạy theo mấy anh thả diều ngoài đồng; đi câu cá bống ngoài mấy cái ao gần nhà nội, hay những ngày chạy lon ton ôm đống rơm vô nhờ dượng nướng mấy con tôm bắt trong mấy cái ao mà người dân gần sông Cái be bờ nhử tôm vào sống, hay những ngày ngồi hí hửng bên rổ cua mẹ bắt ngoài đồng mang về luộc.


Tôi cũng được chứng kiến sự thay đổi của vùng quê, từ căn nhà lá đơn sơ với chuỗi ngày phải xài đèn dầu loe hoe, những con đường đất lầy lội sau mưa, cho đến khi nhà nào cũng xây tường gạch, có đèn điện thắp sáng, và những con đường được tráng nhựa láng o. Nhớ những ngày mùa sau khi thi đại học, tôi chạy vào ruộng phơi lúa cùng cha rồi phụ cha vác mấy bao lúa ngọn thấm nước từ tận mấy công ruộng phía trong cùng. Tôi nhớ những bờ ruộng nho nhỏ, bước trên đó, bao lúa ngọn ở trên vai cứ nghiêng ngửa, nhiều lúc tôi trượt cả chân xuống ruộng. Bây giờ, nhớ lại, tôi càng thêm thấu hiểu nỗi cực nhọc của cha mẹ, của cô bác nông dân, nó lớn hơn rất nhiều lần so với suy nghĩ giản đơn của một đứa chỉ lo ăn lo học tuổi 18 hồi đó.


Cũng từ khi xa quê tôi mới thấm thía hai chữ “Miền Tây” và thấy yêu nó nhiều thật nhiều. Miền Tây và quê tôi như hòa làm một. Bởi lẽ quê tôi thuộc Miền Tây mà.



Tôi yêu quê tôi, yêu Miền Tây, yêu sự yên bình, yêu nắng chiều, yêu những hạt mưa rơi bên luỹ tre, yêu cơn gió thổi qua những tàu lá chuối, những ngọn khoai mì, cây nhãn bên hiên nhà, cây vú sữa hay ở những ngọn dừa xa xa; hay đơn giản là tiếng dế kêu trong đêm, tiếng ếch nhái kêu trong những cơn mưa chiều tối. Yêu lắm những cánh đồng, những người dân quê thật thà chất phác, yêu những món ăn quê thân thuộc. Yêu những người nông dân bên những cánh đồng xanh mướt lộng gió, yêu ngày mùa với những cánh đồng vàng ruộm, yêu nụ cười của cha mẹ cùng cô bác khi được mùa. 


Tôi yêu Miền Tây đủ để thấy tức điên mỗi khi nghe người ta nói xấu người Miền Tây. Đủ để nuốt  nước mắt mỗi khi tin lũ về không về nhà kịp cùng cha mẹ.




Tôi nhung nhớ miền Tây bởi nụ cười mộc mạc của em. Và cứ đến mỗi ngày mùa, tôi lại giấu nụ ấy da diết trong tâm bởi mình quá nhút nhát...



nhakhongcogi1985

MỘC MẠC SÀI GÒN


Sài Gòn thật sự muôn màu, muôn vẻ và dễ sống, dễ kiếm tiền. Dù là thành phố ồn ào náo nhiệt nhưng sức thu hút của thành phố quả thật mạnh mẽ. Dân ở các tỉnh vì sao muốn về Sài Gòn ở?

Ngồi ở ngã tư đường phố mà ngắm tất cả các loại xe cộ mới hiểu vì sao mọi người muốn về Sài Gòn sinh sống. Thật dễ sống vì thành phố này tuy rất phồn hoa nhưng cũng thật bình dị. Vì ai cũng có thể sống được. Nếu bạn là người chăm chỉ thì vào thành phố này chắc chắn bạn sẽ tìm được việc cho mình.

Có đủ bậc để cho con người ta nương nhau mà sống. Ngay chuyện nhậu nhẹt đã thấy quá rõ: người giàu vào nơi nhà hàng cao cấp, người bậc trung vào những nhà hàng bình dân và những người  thợ nghèo thì các quán cóc vỉa hè là nơi họ cũng có thể nhậu với những ly bia rẻ tiền.

Cà phê thì cũng đủ loại với từng giá tiền, với từng công việc. Nếu bạn tiếp khách sang trọng, làm ăn thì vô cà phê lịch sự với giá của ly cà phê khoảng trên 30 ngàn một ly, ngồi đồng từ sáng tới chiều, ngồi máy lạnh thật mát, đem laptop nữa là vô tư chát chít thoải mái, tránh cái nóng của Sài Gòn mà đỡ tốn điện ở nhà. Và không ai đuổi bạn cả. Còn chỉ là nghỉ chân thì tấp vào bình dân giá chỉ 7 tới 10 ngàn đồng thôi. Còn có cả cà phê bệt nữa. Có nghĩa là không cần quán, chỉ cần tới công viên gần nhà thờ Đức Bà thôi là sẽ có người cho bạn một tờ giấy báo, ngồi bệt xuống lề gạch là có cà phê đem tới tận nơi. Kể ra thì cũng thật thú vị khi được ngồi "bệt" xuống đất mà nhâm nhi ly cà phê toàn bắp rang.

Chuyện làm ăn thì thật sự nhiều kiểu để kiếm tiền. Một chị có thể làm nghề ép bọc lynon các loại giấy tờ, rất đơn giản chỉ cần một xe máy đậu ở vỉa hè và một máy nổ bé xíu trên xe là đã có thể ép keo cho các loại giấy tờ với giá rất rẻ.

Vỉa hè là nơi mà ban đêm bạn đi trên đường phố sẽ thấy quá nhiều kiểu kinh doanh tới bất ngờ. Anh chàng trẻ lấy một cô vợ trẻ, chiều xuống đẩy một xe inox trong đó có một dàn đầu máy ti vi ra vỉa hè, sắp bàn ghế ngay ngắn thế là đã trở thành một quán cà phê di động. Với cái giá quá mềm: 5000 đồng/ly cà phê đá là có thể xem một bộ phim tình cảm hay một phim kiếm hiệp. Mát mẻ và thoải mái hơn ở rạp hát nhiều. Bất ngờ là lại thu hút rất nhiều người xem.

Một cô có cửa hàng di động bán quần áo trên một xe máy ở đường phố. Vậy mà thật sự cũng có rất nhiều khách hàng tới mua. Nói chung họ có thể làm dạo bất cứ dịch vụ gì.

Một đứa trẻ bán vé số dạo, tôi hỏi nó một ngày kiếm được bao nhiêu tiền nó nói: cháu kiếm khoảng 200 ngàn. Không thể tin và hỏi: con đùa hay sao? Nó nói: cháu nói thật đấy. Và hỏi: tại sao con không đi học? Nó trả lời: quê cháu nghèo lắm, cháu bán vé số kiếm tiền cho gia đình. Không hiểu ai dạy nó mà nó nói rằng: học cũng thế thôi, có khi không bằng cháu bán vé số đâu.

Một anh thợ hồ ở Sài Gòn, lương thợ chính một ngày hơn 200 ngàn đồng đủ để cho vợ ở nhà mà không cần phải đi làm.

Điều mà tôi cứ thắc mắc hoài là tại sao Sài Gòn nhiều quán ăn và nhiều quán nhậu như thế? Vẫn đủ loại người để thích ứng với từng quán xá nên mọi người vẫn bảo nhau mở quán, mà thấy ít người dẹp quán. Có lẽ ai cũng kiếm tiền được cả nên họ mới đua nhau mở như nấm. Dù giá cả tăng vọt thì người Sài Gòn vẫn hình như bình chân như vại, vì có lẽ người Sài Gòn phần lớn sống không phụ thuộc vào đồng lương của nhà nước. Nước nổi lo chi bèo không nổi, cái triết lý sống quả là hiệu nghiệm.

Hỏi rằng người Sài Gòn có bon chen hay không? Thì tôi cảm thấy người Sài Gòn không hề bon chen. Bạn giàu thì mặc bạn và tôi nghèo thì cũng không ai chê trách. Giàu thì đi xe hơi, nghèo thì đi xe đạp, xe máy tàng tàng chẳng ai coi thường bạn cả. Đôi lúc thấy cũng hay hay vì bạn cứ việc sống và làm việc mà không phải chịu áp lực của sự soi mói giàu nghèo. Sự phân cách xã hội ở Sài Gòn không có, đó là điều mà thực sự nhiều người muốn về nơi đây để sinh sống.


Cứ từ từ, lo gì... phải không bạn ?!


Charles.Hiếu

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

NHỊP ĐIỆU XE ĐẠP

Từng một thời gian dài bị rẻ rúng, xe đạp đang quay trở lại một cách ngoạn mục, thong dong và kiêu hãnh hoà vào sân khấu giao thông đô thị hỗn loạn.

LỘI NGƯỢC DÒNG

Những người từng bi quan về tương lai của xe đạp như tôi cách đây chưa đến chục năm, giờ hoàn toàn có thể lạc quan khi chứng kiến những chiếc xe không khói này nhẹ nhàng trôi trên các con phố. Có một điều gì đó kỳ diệu đã thay đổi trong suy nghĩ của không ít người phố thị về xe đạp. Nếu những năm 2000, xe đạp bị ép vào lề đường một cách thê thảm, thì giờ đây người ta đi xe đạp mà không còn cái vẻ yếm thế của một loại phương tiện tốc độ chậm chậm và rẻ hều "vứt đi không ai lấy". Dù vẫn chỉ là thiểu số trên đường, nhưng rõ ràng, ngày càng nhiều người đi xe đạp trên các con phố.


Hồi ấy, những người đa cảm dễ tủi thân khi đi xe đạp. Còn nhớ, khi mới quen bạn gái, chở cô ấy đi ăn phở khúc đầu đường Cao Thắng còn bị chủ quán hạch sách để gọn xe đạp vào nhường chỗ cho xe máy, đại loại là "xe đạp thì sợ gì mất, để xa ra đằng kia". Thậm chi gửi xe đạp vào bãi còn không được nhận vì "hết chỗ". Nếu may mắn được "chen vành" vào bãi gửi xe hay tầng hầm khách sạn, siêu thị thì cũng được lùa cả vào một góc kèm theo cái hất hàm "không cần vé". Thân lạch cạch đi như bò ra đường, chẳng thà bỏ ra vài triệu mua con xe tàu rởm còn đỡ ức hơn. Thế là xe đạp cứ dần bị bỏ rơi, chỗ của nó là trong nhà trọ sinh viên nghèo hay dành cho những ông bà lão chậm chạp không bắt kịp tốc độ hiện đại. Đường phố ngập tràn cho ô tô, xe máy, khói bụi, tiếng còi xe.

Bây giờ khác nhé. Đừng có vội coi thường những người đi xe đạp. Không chỉ là phương tiện di chuyển, đi xe đạp giờ là thú chơi, thậm chí là chơi sang. Lái xe ô tô nhìn thấy xe đạp có khi chả dám liếc nếu biết mức giá hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí có thể cao hơn nữa cho chiếc "xế độp". Dân chơi xe không chỉ mua nguyên chiếc mà còn mày mò đặt mua đồ về lắp ráp để thành hàng độc theo đúng ý, khiến giá chiếc xe có thể ngất ngưỡng. Một chiếc khung bằng sợi carbon "hàng thửa" phải đi cùng với bộ vành hay bàn đạp cùng chất liệu. Tất nhiên, một cái ghi-đông vừa tay, một chiếc yên êm ái cùng các trang thiết bị như đèn trước, đèn hậu hay đèn xi-nhan là điều khó có thể thiếu. Sắm xe xong lại phải có trang phục nai nịt và mũ bảo hiểm cho bằng anh bằng em...

Không chỉ "đua" kiểu dáng và chất liệu hiện đại, cộng đồng chơi xe còn có cả nhóm khá đông những người sưu tầm xe cổ. Nếu không tìm được đúng phụ tùng còn thiếu, họ có thể cất công đặt tận bên Pháp để mua những bộ phận cũ của xe nguyên bản. Giá tiền của một chiếc xe nguyên bản hoàn toàn cũng là con số không thể đoán, bởi nó phụ thuộc vào tình yêu của người đang sở hữu và độ đam mê của người mua. Riêng diễn đàn xedap.org đã có trên 43.000 thành viên. Con số ấy phần nào cho thấy sức thu hút mạnh mẽ của xe đạp thô sơ trong kỷ nguyên thẻ nhớ 32GB chỉ nhỏ bằng nửa con tem.

Dân chơi ngoài việc lên diễn đàn chia sẻ, họ còn tụ tập hàng tối, hàng tuần tại những con đường mới kè thơ mộng bên Thủ Thiêm hay thong dong nơi đô thị Phú Mỹ Hưng. Hứng lên thì tụ hội, cùng đạp xe đến những vùng xa tít mù tắp để thoả thú vui ngoạn chả khác gì những tay chơi mô tô phân khối lớn hay những thiếu gia thích chơi siêu xe. Thích thì cắm trại ngủ lại đêm trong vườn trái cây trĩu ngọt Tây Nam bộ, sáng hôm sau lại thong dong trở về thành phố ầm ĩ, hỗn loạn của thường nhật. Đó không chỉ là cách xả căng thẳng của cuộc sống mà đã trở thành một thú chơi tao nhã.

TUYÊN NGÔN VỀ LỐI SỐNG


Đừng vội nghĩ người ta chỉ đạp xe đạp vào những dịp tụ tập, để tập thể dục hay chỉ để khoe khoang. Rất nhiều người bạn của tôi dùng xe đạp như phương tiện di chuyển chu yếu hàng ngày. Ăn sáng, đi chơi, ăn tối, đi làm, gặp đối tác... tất cả đều bằng xe đạp. Tôi cảm nhận một sự sang trọng nhất định ở những con người này bởi họ biết cách sắp xếp, làm chủ thời gian của bản thân. Có thể gọi điều đó là gì nếu không phải là sự tao nhã ? Góc nhìn chậm rãi, nhàn hạ từ những chiếc xe đạp chắc chắn đáng yêu và gợi mở cảm xúc, sức sáng tạo hơn nhiều lần. Thậm chí, có thể coi là đẳng cấp.

Tôi không bao giờ phân biệt việc đi xe đắt tiền là xấu hay chơi trội. Cứ đi xe đạp thường hay xe đạp điện là tôi đã thấy người ấy rất đáng trân trọng. Khó có thể phủ nhận rằng thú chơi xe đạp cầu kỳ đã góp phần gây dựng nên một phong trào đi xe như ngày nay. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại một chút là trước đây vài năm, nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, những người làm nghệ thuật và cả những người bình thường khác đã bắt đầu đi xe đạp, đồng thời kêu gọi cộng đồng đi xe đạp.. Hồi ấy, họ đi trên những chiếc xe bình dị, không quá cầu kỳ hay đắt tiền như bây giờ. Cứ lặng lẽ đi một cách yên bình giữa những đám đông hỗn loạn xả khói và bấm còi inh ỏi một cách vô thức trên đường. Cá nhân tôi nhìn những chiếc xe đạp đi thong dong như những điểm sáng văn minh.

Nhiều lúc bất chợt cũng thấy "tự hào" về sự phát triển của các thành phố lớn ở nước ta.. Đến cả những con phố hẹp nhất ở trung tâm Hà Nội hay Sài Gòn cũng có đến bốn làn xe ô tô và xe máy. Xe đạp và người đi bộ sẽ mạnh ai nấy đi trên vỉa hè hoặc lấp vào những chỗ trống còn sót lại bên đường. Thực tế là xe đạp vẫn phải chen vai thích cánh để cố giành lấy một phần ít ỏi trên đường, đa phần đầy ổ gà và nắp hố ga xóc lộn ruột. Ở nhiều nước, xe đạp được đặc cách đi những con đường riêng, tuy nhỏ nhưng ngắn hơn đường mà xe hơi phải đi. Thậm chí luồng xe đạp luôn được ưu tiên thòi gian chờ đèn đỏ ngắn hơn. Có nước còn lập những bãi xe đạp cho mượn miễn phí để người dân hạn chế đi xe hơi ra đường mà vẫn không mỏi chân vì đi bộ.

Có lần tôi chợt nghĩ, đáng nhẽ những người đi xe hơi nên dành ra một cái quỹ để ủng hộ cho những người đi xe đạp. Quỹ ấy để bù đắp khoảng không trên đường và độ ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn mà cộng đồng đi xe đạp đã dành lại cho những người đi ô tô, mô tô đang sử dụng. Quỹ ấy dùng để khuyến khích người ta mua xe, làm những con đường riêng cho xe đạp hay mở các bãi cho thuê xe giá rẻ phục vụ cộng đồng. Tất nhiên, những người đi xe hơi và xe máy sẽ khó có thể đồng ý bởi họ đang phải gánh quá nhiều loại phí, nhưng nếu nhiều người đi xe đạp hơn thì nghiễm nhiên người đi xe cơ giới sẽ có thêm không gian để đi trên đường.

Tất nhiên, việc đó ngoài tầm quyết định của cộng đồng những người đi xe đạp. Họ vần cứ đi thong thả trên phố bằng sự kiêu hãnh "quay đều, quay đều". Mỗi người đi xe đạp, dù sang trọng đắt tiền hay vừa tiền bình dị, hoàn toàn có thể tự hào mình đang góp phần nhỏ bé cho cuộc đời bớt ồn ào và ô nhiễm hơn.

Đúng thế không, bạn hữu của tôi ?!


Charles.Hiếu
vifafair 2013, vifahome 2013, vifa fair 2013,  vifa home 2013, hawa, hawa corp, hawacorp, gỗ liên minh,

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

AI PHỞ KHÔNG ?

Mỗi lần nhìn thấy một tấm hình chụp ẩm thực Việt, bao giờ mình cũng quan tâm ngắm nhìn bởi biết ở đó có phở.

Chỉ trên hình ảnh nó cũng đã rất tuyệt vời, màu trắng của sợi phở làm từ bột gạo mới chìm ẩn nuột nà dưới những lát thịt bò ngon hầm nhừ thái mỏng, dưới những khoanh hành hoa mà chỉ có người Bắc mới thái đẹp, rồi thì nước xương hầm trong veo, thơm đậm mùi hồi, quế và gừng. Nó gợi nhớ biết bao những sáng mùa Đông lạnh cắt da của phố Hàng Buồm, Hà Nội, hoặc những buổi chiều Thu lá bàng rơi đỏ con phố nhỏ thành Nam Định.

Phở bây giờ lên báo, lên tivi, vào nhà hàng sang, thành thương hiệu quốc tế mua đi bán lại hàng chục triệu đô la, đã được thăng hạng phở triệu đồng nhờ bò Kobe, ra khắp thế giới như biểu tượng của văn hóa ẩm thực Việt.

Mình nhớ một lần đã lâu sau buổi đoàn Lãnh sự quán Mỹ đến thăm Đại học Đà Nẵng, nhà ngoại giao khi ấy đã yêu cầu chỉ cho ông quán phở ngon nhất thành phố này. Mình nhớ sếp một lần cũng gọi điện bảo tí nữa sẽ ăn sáng bằng phở, muốn tìm một quán ngon trước. Cả hai lần mình đều lúng túng và tự làm mất uy tín bằng cách chỉ cho các “fan của phở” vào quán cà phê vườn sang nhất thành phố.

Dĩ nhiên phở ở quán cà phê hạng sang vẫn là loại phở “không chuyên”, mùi vị của phở không chuyên sẽ rất chung chung giữa phở-miến và hủ tiếu. Vốn mê phở Bắc, mình cũng không thấy “đã” khi ăn phở triệu đô, ấy là các bạn mình gọi mấy thương hiệu phở nhượng quyền bằng cái tên như vậy cho... sang! Vì thế cũng chỉ ăn thử rồi... thôi. Nhưng tại sao mình không dẫn khách đến với phở truyền thống?

Mình nhớ một quán phở truyền thống nó thế này (dù nó ở phố Hàng Buồm, hay phở “Quát” gần Nhà thờ Lớn, Hà Nội, hay phở Thìn gần Lò Đúc, hay phở Cồ mở khắp miền Trung và Sài Gòn, hay phở Bắc Hải của người Nam Định): Nó giống nhau ở nồi nước bốc khói thơm ngay cửa ra vào đón khách.

Tiếng thái hành, đập thịt tái trên thớt lẹp bẹp, vui tai. Một tô phở nóng với đầy đủ hương vị và màu sắc không khác chút nào so với ảnh bìa Tạp chí Ẩm Thực. Và chúng ta thưởng thức tất cả hương vị tuyệt vời đó trên cái nền toàn cảnh trắng xóa của giấy lau đũa, chén vương vãi khắp sàn, trong lúc giỏ rác dưới chân bàn trống không. Trên bàn, hoặc là thứ giấy tái chế, hoặc nguyên cuộn giấy vệ sinh. Cũng không hiểu tại sao cái nền gạch quán phở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đều luôn ướt nhớp nháp.

Ở quán phở nổi tiếng, nhân viên đi lại nườm nượp, nhưng chẳng ai có ý định quét dọn, chắc họ để dấu tích lại cho mọi khách hàng đều biết mình đang thưởng thức văn hóa quán phở do chính thực khách bày ra. Ôi, trách gì được bà hàng phở đang cố lược cho phở nóng trong nồi, thịt thật mềm, thơm, giá chần còn giòn ngọt, hành thật tươi. Bà ấy còn treo một câu slogan trên tường “Chúng tôi nấu phở như cho chính bố mẹ mình ăn”. Hãy tin vào sự tử tế của bà chủ. Từ phở “quát” đến câu slogan này là một chuyển biến lớn của văn hóa phở rồi.

Mình phải tự trách bản thân đã quá khó tính, hãy nhìn sang bàn bên, bốn thực khách vừa gọi phở, tay đã lăm lăm đũa như cầm vũ khí, dù chưa biết là năm phút hay mười lăm phút nữa phở mới được dọn lên, đủ biết họ nóng lòng thưởng thức món ngon thế nào. Hãy nhìn ra cửa đi, thực khách vừa trả tiền, vừa cắm cây tăm xỉa răng vào miệng và bước ra phố, mặt họ thỏa mãn biết bao sau khi thưởng thức tô phở gia truyền tiết đầu Đông.

Mình chợt hiểu thâm ý của bà phở “quát” nay đã “hoàn lương”. Bà ấy để cho cái văn hóa của người ăn phở hành hạ lẫn nhau chứ bà không tham trận nữa! Mỗi lần từ quán phở về, mình lại tự hứa, thôi không đến quán phở, chỉ ngắm hình bát phở là đủ ngon rồi!


Cùng chia sẻ vị trí các quán phở ngon cho đồng đội, chịu không các đồng chí !?

vifafair 2013, vifahome 2013, vifa fair 2013,  vifa home 2013, hawa, hawa corp, hawacorp, gỗ liên minh,
Charles.Hiếu

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

MANNEQUIN

Không khí tết vẫn còn, dân sài Gòn trong thời gian này chia làm hai loại rõ rệt, loại xài tiền và loại có cơ hội kiếm tiền.

Trong số người bận rộn nhất trong những ngày cuối năm này dĩ nhiên là các thợ may. Ông thợ may đầu hẻm nhà tôi không có thì giờ ngồi la cà cà phê sáng như trước đây, bởi hằng đêm phải thức đến khuya lắc để cắt may.

Trong tiệm của ông ai cũng hối hả, trừ ba cô ma-nơ-canh đứng làm dáng bên ngoài. Các cô rất đẹp, rất diện và không hề bận tâm gì đến chuyện năm hết Tết đến, còn ông chủ thì đang gầy rộc đi vì công việc. Trên những thân hình được tính toán đến từng milimet của các cô, ông đã phô diễn được hết bình sinh sở học và tuyệt kỹ tay nghề. Ba triệu đồng cho ba cô bằng nhựa trộn thạch cao mua ở đường Nguyễn Đình Chiểu. Tháo rời, đầu lìa khỏi cổ, tay chân lìa khỏi thân mình, xếp gọn bỏ vào thùng chở về, lại ráp vào, chụp lên ba cái đầu trọc ba mái tóc giả, quần áo mốt nhất diện vào. Thế là có tiên giáng trần. Ở Sài Gòn không thể đếm được có bao nhiêu cô tiên như thế. Tiên cô, tiên cậu, tiên nhi đồng, tiên châu Âu da trắng, tiên châu Phi da đen, tiên châu Á da vàng. Có tiên bụng mang dạ chửa vì đang quảng cáo cho một mốt áo bầu.

Thật tình mà nói, ngoài các siêu người mẫu, các bà, các cô chẳng mấy ai có được thân hình siêu kiều diễm của các ma-nơ-canh. Sự cân đối, hài hoà của cả ba vòng gần như là hoàn hảo.. Ngoài ra, học còn có những đức tính ưu việt như: khoái diện đẹp nhưng không biết xài tiền; không biết thỏ thẻ nhưng cũng không biết cằn nhằn, cáu gắt; rất thuỷ chung nhưng lại không biết ghen bóng ghen gió...

Tóm lại, ma-nơ-canh có những ưu điểm cánh đàn ông rất thích mà các bà khó đáp ứng được. Nếu quý ông nào cũng muốn có một người đàn bà bằng xương bằng thịt nhưng lại đẹp và có đủ những đức tính của ma-nơ-canh thì tôi xin mách nhỏ, hãy tin vào quyền năng của các vị thần mà tìm thuyền bè cho một chuyến ra khơi như câu chuyện sau đây.

Số là, tôi có đọc đâu đó trong thần thoại Hy Lạp rằng: Ngày xưa, có một điêu khắc gia giong buồm ra khơi rồi mất tích ngoài biển cả. Người ta nghĩ rằng ông đã vùi thây trong làn nước. Nhưng không, ông bị bão thổi dạt vào một hoang đảo. Sau đó, trong những ngày cô quạnh trên hoang đảo, ông giải sầu bằng cách hoàn tất một pho tượng mỹ nhân tạc bằng đá núi. Công trình của ông tuyệt vời đến nỗi ông yêu say đắm tác phẩm của mình, rồi quyết định mở lại đó cho đến hết cuộc đời để được ngày đêm vuốt ve, ôm ấp nàng tượng yêu dấu. Mối tình của ông đã làm xúc động nữ thần Aphrodite (còn gọi là Venus - Nữ thần tình yêu và sắc đẹp). Thần đã hoá phép để tượng đá kia hoá thành người thật với máu, thịt, xương, da và có linh hồn. Câu chuyện thần thoại chấm dứt ở đây, nhưng tôi nghĩ rằng sự nhiệm màu đó chỉ là khởi đầu đoạn đời bất hạnh của ông. Chỉ nghĩ đến chuyện sống trên hoang đảo suốt đời với duy nhất một mỹ nhân là tôi đã rùng mình ớn lạnh.

Rời xứ thần thoại, mời bạn quay về Sài Gòn. cách đây không lâu, tôi suýt gây ra tai nạn trên một con đường lớn ở trung tâm thành phố (hình như là đường Đồng Khởi) vì tôi ngó thấy, rồi nhìn mê mải vào cửa kính của một cửa hiệu sang trọng trưng bày các cô ma-nơ-canh trên người chỉ có hai, hoặc một mảnh vải bé xíu, màu sắc lung linh cực kỳ gợi cảm và bắt mắt. Ồ, thì ra đó là cửa hiệu chuyên bán đồ lót phụ nữ. Không chỉ ở đó, trong nhiều cửa hiệu thời trang khác, các cô chỉ được che đậy một phần thân thể, khi thì mặc áo ở trên và để trống phần dưới, hoặc ngược lại váy ở dưới và để trống phần trên. Nhưng dù thế nào đi nữa thì cũng rất dễ gây tai hoạ cho những kẻ có đôi mắt tò mò như tôi. Mà lạ, sao người ta chỉ làm ra những ma-nơ-canh có thân hình hoàn hảo mà không chế tạo những ma-nơ-canh có chút khiếm khuyết nhỉ ?

Tôi lùn và hơi mập, bụng lại hơi bự, nhưng nhìn chung dẫu sao cũng khá quyến rũ và phúc hậu (bạn gái tôi thành thật nói vậy !). Các chuyên gia về trang phục thời trang trong các tờ báo nói rằng người như tôi thì nên mặc quần áo cùng màu có kẻ sọc dọc mới hạp. Nếu các tiệm trưng bày những ma-nơ-canh có nhân dạng giông giống tôi thì có phải tôi đã dễ dàng quyết định trong việc chọn tiệm may nào, hoặc chọn ông (hay cô) thợ may khả tín nào để "trao thân". Giá mà lúc ấy có được một ông ma-nơ-canh có thể hình khiêm tốn như tôi thì hay biết mấy. Còn các chàng trai đang đứng chào hàng ở đây chàng nào cũng thước tấc đạt tiêu chuẩn người mẫu quốc tế cả, chẳng có ai như mình. Nhìn họ xong, nhìn lại mình, dẫu là người có chút ít "nhan sắc" như tôi đôi lúc cũng thấy mặc cảm, tự ti.

Ai cũng muốn có một thân hình đẹp. Nhưng những người quá béo, quá gầy, quá lùn, quá lòng khòng, hay gù lưng, lệch vai, chân ngắn, chân dài cũng không phải là ít. Thưa các ông thợ may, thưa các nhà thiết kế mỹ thuật, đến bao giờ Sài Gòn mới có một tiệm may trưng bày các ma-nơ-canh với hình thù hấp dẫn vừa phải kể trên ? Nếu có thì các ông có thể tự hào tâu với thượng đế của mình rằng: "Muôn tâu bệ hạ ! Cho dù long thể của bệ hạ có lệch pha đến cỡ nào chăng nữa thì tay nghề của hạ thần vẫn có thể "mông má" lại để bọn diễn viên Hollywood phải ganh tỵ.

vifafair 2013, vifahome 2013, vifa fair 2013,  vifa home 2013, hawa, hawa corp, hawacorp, gỗ liên minh,
Charles.Hieu