Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

MÓN NGON LÀ PHẢI GIA TRUYỀN


Người Hà Nội không làm “tô phở to nhất nước”, không gói cơm nắm đường kính khổng lồ, cũng không bày dĩa cốm Làng Vòng kích cỡ lớn để lập kỷ lục Guinness. Miếng ngon Hà Nội chỉ đến từ địa chỉ gia truyền hàng trăm năm. Hình ảnh thương hiệu của hàng đặc sản gia truyền Hà Nội là cảnh xếp hàng rồng rắn rất kỳ lạ.


Có một năm tôi cùng bao người Hà Nội xếp hàng trước cửa hàng số 9 phố Hàng Bông để mua bằng được mấy cái bánh chưng và ít cân giò chả gia truyền Quốc Hương, vì nghe tiếng thơm đồn xa. Rồi khi đến chơi những nhà bạn bè vào mấy ngày Tết, cảm nhận thêm điều gì đã tồn tại trong cách ứng xử của người Hà Nội với miếng ngon đặc sản.

Người Hà Nội khác, rất khác. Chính vì thế họ mới mất công xếp hàng hết nửa buổi vào sáng 30 Tết, một quãng thời gian cực kỳ quý, chỉ để mua mấy cái bánh chưng hay cân giò lụa. Hay người Hà Nội xếp hàng mua bánh Trung thu Bảo Phương, một cảnh tượng gần như trở thành “chuyện cười” trong mắt những người sống ở nơi khác!


Hãy hình dung người Hà Nội thế này. Bữa cơm mời khách đầu năm, được trân trọng bày đúng những món cỗ Tết, tuyệt đối không thay đổi. Tôi nghe điều này từ nghệ sĩ điện ảnh Như Quỳnh, một phụ nữ Hà Nội dạy con gái lúc làm cơm chiều 30 Tết. Nhà văn Tô Hoài cũng từng kể, ông luôn mua bánh chưng Quốc Hương để bày bàn thờ cha mẹ, bởi vì ông bà hồi xưa thích loại bánh ấy. Với quan điểm cổ truyền, đó là cái đẹp và tinh tế đã được sắp đặt từ hàng trăm năm, về miếng ngon và thẩm mỹ. Và nếu trong cuộc sắp đặt nghệ thuật đầu Xuân ấy, một miếng bánh chưng không phải từ hàng gia truyền, rất dễ làm những cái lưỡi bảo thủ ngập ngừng; câu chuyện không có được tình tiết vất vả bon chen lúc mua cái bánh chưng ở Hàng Bông, nó cũng làm bữa ăn đầu năm mất hương vị của… Xuân! Ấy là nhà bình dân còn muốn giữ cái nếp, cái lề như thế. Đến nhà sang trọng, nhà có bà chủ kỹ tính thì “sự gia truyền” còn phải kỹ càng, cẩn thận. Cao cấp với người Hà Nội không mang ý nghĩa thực phẩm nhập từ nước ngoài. Thời điểm Tết, hàng đặc sản phải đến từ làng có tiếng, hay nhà gia truyền trên phố đưa về bữa cơm thì mới gọi là đúng tinh thần một gia đình Hà Nội gốc. Bữa ăn đầu năm người ta không dễ dãi đem khoe trứng cá đen của Nga, hay patê gan ngỗng của Pháp, dù họ có trữ thứ đó trong tủ lạnh. Bà chủ nhà sẽ ý nhị bày ra một bữa truyền thống, để đảm bảo trong mắt khách, gia đình mình là hình ảnh Hà Nội gốc. Khách sẽ thưởng thức những món ấy, đánh giá sự tinh tế của chủ nhà qua việc món ăn cổ truyền Tết ấy có phải là hàng ngon đệ nhất Hà Thành không, bà chủ nấu nướng, dọn món có khéo tay không. Đành giải thích vậy, vì rõ ràng khách sẽ cảm nhận rất rõ như vậy.

Nếu không phải người Hà Nội rất bảo thủ lưu giữ những món “quen thuộc” thì dù bao nhiêu thương hiệu như Coca-Cola, Starbucks, KFC “đổ bộ’, bánh dày, cơm nắm vẫn ùn ùn từ các làng ngoại ô vào phục vụ quãng ăn vặt giữa buổi của các cô hàng lụa khó tính trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào bây giờ. Các hàng nước bột sắn dây hương bưởi vẫn là lựa chọn tối ưu trong mùa Hè Hà Nội.

Người Hà Nội chịu cảnh xếp hàng, gây mất trật tự vì cố mua miếng ngon. Họ trân trọng và tự hào biếu nhau miếng ngon đúng điệu đó cho người họ yêu mến. Họ chờ đúng Rằm, khi ánh trăng như cái dĩa vàng giữa trời Thu, thì một cái phòng khách, một cái ban công cũng đủ là không gian thưởng Nguyệt, với hương trà sen và bánh nướng Bảo Phương gia truyền, với cảnh ông bà, bố mẹ, con cháu cùng tận hưởng cái vị tao nhã của mùa Thu. Người Hà Nội thích nói những câu như “Ông đã ăn bánh của bà Bảo Phương từ 40 năm trước. Hương vị bánh nhà ấy không thay đổi, vẫn ngon lắm!”.

Nói thế thì bảo sao có cái đối lập đến thế giữa cuộc sống xã hội và truyền thống của một gia đình Hà Nội? Làm sao dung hoà giữa cảnh nhốn nháo bán mua ngoài phố với cái hương vị tinh tuý của món đặc sản? Còn người bán bánh Trung thu nổi tiếng kia, sao không biết thu xếp tăng sản lượng bánh, để người ta chờ đợi mua hàng, rồi đâm ra cáu gắt, cãi nhau vì muốn mua về miếng bánh gia truyền nhỉ? Bộ nhà làm bánh gia truyền kia không muốn làm giàu? Hẳn bao doanh nghiệp làm bánh ở Sài Gòn sẽ sốt ruột kêu lên như vậy?

Bà chủ của hiệu bánh Trung thu năm đời kia sẽ hỏi ngược lại rằng, cô có biết vì sao bánh nhà tôi được chuộng không? Vì chúng tôi đỏ mắt ngồi lựa từng hạt nếp không quá già, quá non, vì hương bưởi phải mua ở đúng vùng ấy, nhà ấy chỉ có số lượng đến thế, và bí kíp làm bánh phải trân trọng từng công đoạn, không thể làm ào ào bằng máy móc, bất chấp quy tắc, hương vị. Vậy mà các cô chú cứ trách, sao không phát triển lên đáp ứng nhu cầu xã hội, xây dựng thương hiệu khắp năm châu phục vụ mấy triệu Việt kiều. Không làm được đâu các cô, các chú à!

Cafe Lâm Hà Nội - Người, xe, tranh trong không gian cafe

Thế thì bà chủ hàng bánh gia truyền mắc phải tiếng oan khi người ta bảo bà không biết kinh doanh, phát triển thương hiệu đặc sản. Thì ra quan niệm về món đặc sản của Hà Nội rất khác. Nó gói ghém trong ấy cái tinh tuý của món ăn đã đành, nhưng nó vững vàng với thời gian, với cơn lốc của thị trường vì là cái cốt cách của Hà Nội khác với vùng miền khác. Họ trân trọng cái dân dã bình thườn, coi nó là nền nếp nhiều đời phải giữ gìn, như là sự sang trọng của phông văn hoá gia đình. Chính vì địa vị vững váng trong tâm thức, lối sống của người Hà Nội, quà vặt Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì, phở, bún chả, bún thanh, những cốm Vòng chấm chuối tiêu, xôi xéo của những gánh hàng rong… mới được các nhà văn như Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân trân trọng nhả từng chữ, cố miêu tả cái ngon, cái tình và nhất là cái cảnh của miếng quà vặt được tôn lên hàng đặc sản Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét