Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

VĂN HÓA TẾT VIỆT MÌNH



Đã lại qua một cuối năm. Đã xa lâu lắm rồi cảnh những ngày đôn đáo với bao tất bật dành dụm mua sắm để đón Tết. Cuộc sống thay đổi, mọi thứ đều sẵn có, bây giờ chỉ mất một ngày là có thể sắm một cái Tết ấm no và đủ đầy. Không còn cảnh những người phụ nữ của gia đình nay xách về cân nếp, cân đường, mai nhờ mua bó lá dong, mớ lạt...điều ấy dường như khiến Tết đến muộn hơn ngày trước, và đi nhanh hơn ngày trước. Nhưng dù sao thì với mọi người, khi đào phai khoe sắc, mai vàng bung cánh hay đào rừng hé nụ son thì Tết cũng đã sắp về bên ngoài kia.


Xuân đến với đất phương Nam cũng tưng bừng và hồ hởi như chính bản tính con người nơi đây. Không rụt rè và hững hờ, không âm thầm và lặng lẽ, Tết đến với mỗi gia đình xôn xao và náo nức, như một mùa Xuân thực sự ấm áp, sum vầy.. Tết ùa vào nhà như một cái hẹn trước, bất kể tiết trời có khi nắng cũng có khi mưa, bất kể tiết Lập Xuân chưa tới hãy đã về ngay trong năm cũ...chỉ biết những ngày vui là những ngày Nguyên Đán, dù mưa hay nắng, vẫn đem lại cho mọi người niềm vui dường như sơ khai..Như tính cách hào phóng của người Nam Bộ, “Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết”, bữa tiệc tất niên ở gia đình nào được bày biện ra cái gì cũng mới, cũng đẹp, cũng tinh tươm...Nơi này là bánh chưng, nơi kia đòn bánh tét rất dài, nhưng không thể thiếu tô canh khổ qua dồn thịt hầm điểm chút cọng hành và đĩa thịt kho trứng nước dừa đỏ au màu hổ phách. Từng miếng thịt thơm lựng, mềm nhưng không bã, được dọn cùng đĩa dưa giá hay dưa cải bẹ, từng củ kiệu muối chua trắng phau quyện với chút tôm khô ngọt lịm. Đâu đây còn xấp bánh tráng, nem chua, chả lụa, dưa đầu heo, lạp xưởng..tất cả màu sắc đều tưng bừng rộn rã. Trong thơm ngát mùi nhang, mâm cơm Tết bên cành mai vàng, bên cặp dưa hấu đỏ, như tiếng cười rổn rảng của mùa Xuân sắp về trong thời khắc của đất trời ấm áp.


Khác với miền Nam rực rỡ sắc màu, không khí Tết xứ Thần Kinh thường đến một cách trầm mặc trong hương khói Đại Nội, trong sắc vàng của mai trong các khu nhà vườn bên Kim Long, Vĩ Dạ..Quan niệm mâm cơm ngày Tết nơi dải đất miền Trung này không đòi hỏi cao lương mỹ vị nhưng rất nhiều gia vị và chế biến công phu. Cũng đòn bánh tét nhân đậu xanh thịt mỡ nhưng phải là bánh tét làng Chuồn gói với loại nếp dẻo thơm cùng đĩa dưa món làm từ trái đu đủ già thái mỏng ngâm mắm đường, hợp khẩu vị không gì sánh bằng. Cũng thịt ba chỉ dọn cùng củ kiệu chấm mắm nhưng phải tìm cho được loại mắm ngon như mắm nêm, mắm sò , mắm tôm hay ít nhất cũng là loại mắm ngon nổi tiếng của đất Nam Ô, Thuận An..Cũng đĩa nem, tré, chả không thể thiếu trên mâm cơm cúng gia tiên, nhưng ngày Tết tươm tất hơn với chả lụa, chả thủ, chả tôm hay nem An Cựu, Mụ Tôn nơi cửa Đông Ba..Sự “tỉa vẽ” trong nấu ăn và cách bày biện khéo léo của người phụ nữ Huế là phong cách của người cố đô, điều ấy khiến cho bữa cơm ngày Tết ở miền đất này không chỉ ngon mà còn rất đẹp, như một bức tranh nghinh xuân. Năm mới ở cố đô cổ kính thường đến khi tiết trời vẫn còn cái giá lạnh mùa Đông, nhưng trong mỗi gia đình, không khí vẫn đầm ấm bởi cốt cách bình dị, kín đáo của những tập tục được giữ, bởi sự thu vén đảm đang của người phụ nữ bên mâm cơm, bởi hương trầm trong chiếc lư nhỏ thoang thoảng mời gọi mọi người trong sự sum họp đầy ý nghĩa.


Có thể khi miền Bắc đã không còn nhuốm đầy nắng cuối Đông vàng nhẹ là lạnh, có thể khi chút nắng đầu Xuân chợt hửng sau những ngày lất phất mưa bay, Hà nội mới thực sự Tết. Không còn những đêm gà gật bên nồi bánh chưng sôi lục bục, không còn những sáng tất niên bừng thức dậy bởi tiếng pháo nổ dài bên kia phố, không còn dáng ông ngồi vuốt râu nheo mắt cười nhìn đàn cháu thi nhau nắn nót mấy dòng khai bút, Hà Nội dường như ẩn cái Tết cũ vào sâu hơn trong mỗi gia đình, trong mỗi mâm cơm cúng gia tiên, trong mỗi lòng người xuôi ngược..Cuộc sống no đủ hơn nhiều nhưng cái cách thưởng thức món ăn của người Hà Thành vẫn như xưa, tao nhã, thanh lịch và thiên về thưởng thức để cảm nhận hương vị của món ăn với vị ngọt và hương thơm. Không còn những mâm cỗ ngày Tết cổ truyền xưa với bát đũa sơn son thếp vàng và các món ăn bày biện đủ sáu bát tám đĩa, nhưng truyền thống dù được gia giảm vẫn được các bà các mẹ gìn giữ lại trong mỗi gia đình gốc Hà nội, dẫu một năm chỉ làm sống lại một lần. Trong mâm cỗ rước tổ tiên về ăn Tết ngày nay, vẫn những bánh chưng xanh, dưa hành tím, những thịt gà luộc lá chanh, canh bóng thả, những thịt nấu đông, canh măng, những hạnh nhân xào, canh nấm cúc áo bao giò, những giò lụa, chả quế, những nộm đu đủ, dứa xào lòng gà, những chim hầm hạt sen, cá chép kho giềng..đầy đủ những món ăn làm hài lòng ngay cả những người khách khó tính nhất đến chơi nhà. Hương thơm mở đầu câu chuyện của chén trà sen cũng không làm che khuất sự náo nức tận hưởng món ngon trong niềm hạnh phúc đón chờ năm mới. Người Hà Nội thưởng thức mâm cỗ Xuân cũng như cách thưởng thức ba ngày Tết, bận rộn mà nhàn hạ, đầy đặn mà nhâm nhi. Bao nhiêu món ăn trước bàn thờ gia tiên cũng như bấy nhiêu tâm sự để trang trải nỗi niềm của cả một lòng người, dường như mâm cỗ không đầy đặn thì những nỗi niềm ấy về sau không còn dịp để giãi bày nữa...


Mỗi đời người đều trải qua không ít lần chờ đợi Tết, dù vui hay dù buồn. Chỉ biết rằng chuyện trời đất có mưa hay nắng, có ấm hay lạnh, thì mỗi năm, đúng hẹn, khi nén nhang thơm được đốt lên trước mâm cỗ gia tiên, lòng người ai cũng mong một ngày sum họp, sum họp với đất trời, cỏ cây, hoa lá, với cả những người đã ra đi. Và dẫu rằng ngày nay “chơi Tết” đã nhiều hơn “ăn Tết”, nhưng hình ảnh một cặp bánh chưng xanh trong giỏ xe lạc trên dòng người trên phố cũng khiến ta giật mình nhớ, đâu đó ba bữa Tết, bảy ngày Xuân...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét