Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.
Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thao cũng gần”.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Trước thầy sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giụ nàng kíp ra.
Nỗi mình thêm tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.
Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu.
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Mối rằng: “Giá đáng nghìn vàng,
Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài!”
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm.
MỞ BÀI
“Tiếng đàn xưa đứt ngang dây
Hai trăm năm lại càng say lòn người”.
(“Kính gửi cụ Nguyễn Du” - Tố Hữu)
Ra
đời hơn hai trăm năm nhưng cho đến bây giờ và muôn đời sau, “Truyện Kiều” vẫn
là “món ăn tinh thần” không thể thiếu được đối với con người Việt Nam, vẫn là một
tác phẩm bất hủ, vẫn làm “say lòng người”, gắn bó với cuộc sống của mọi thế hệ.
Một trong những yếu tố làm cho tác phẩm ấy đi sâu vào lòng người là bởi tiếng
nói khẳng định yêu thương và bênh vực giá trị của con người thông qua việc tố
cáo xã hội phong kiến mục nát đương thời đầy rẫy những kẻ “bán thịt buôn người”
và nhất là thế lực đồng tiền đã ngự trị tất cả. “Mã Giám Sinh mua Kiều” là một
trong những đoạn tiêu biểu.
Đoạn
trích không chỉ khiến chúng ta xốn xang rơi lệ cho tâm trạng của Kiều trước bi
kịch gia đình và bi kịch tình yêu “trâm gãy bình tan” mà còn khiến cho ta căm
giận trước hình ảnh một kẻ bất nhân trơ tráo như Mã Giám Sinh.
THÂN BÀI
1. Giới thiệu vị trí của đoạn trích
Bị
thằng bán tơ vu oan, cha và em trai bị tra khảo, tài sản gia đình bị bọn sai
nha “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”. Trước cảnh gia biến, Kiều đã quyết định:
“Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân”. Đây là một trong những đoạn thơ thành công
về nghệ thuật tả người của thiên tài Nguyễn Du - đặc biệt là nhân vật phản diện,
tiêu biểu là Mã Giám Sinh.
2. Phân tích
Trước
hết tác giả giới thiệu y là “viễn khách” đến làm lễ “vấn danh” - khách phương
xa đến hỏi vợ và xin cưới:
“Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh”
Cách
giới thiệu có vẻ trang trọng. Hai câu thơ tiếp theo là lời hỏi - đáp:
“Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thao cũng gần”
Cách
trả lời của hắn thật cộc lốc, khiếm nhã. Kỳ thực Mã Giám Sinh vốn chung lưng với
Tú Bà mở lầu xanh:
Chung lưng mở một ngôi hàng
Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề”
Hắn
ở Lâm Tri nhưng nói dối là quê ở “Lâm
Thanh”. Ở trên hắn nói với mụ mối là “viễn khách”, bây giờ lại nói là “cũng gần”.
Đích thực là người ăn nói gian ngoa. Hắn chỉ là tên buôn thịt người nhưng lại
khoe hão là sinh viên trường Quốc Tử giám, họ Mã. Lai lịch của y thật mập mờ.
Nhân cách hé lộ dần…
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lâu trang
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra”
Ngoài
bốn mươi tuổi mà vẫn trai lơ lố bịch: “nhẵn nhụi” và “bảnh bao” là hai nét vẽ
châm biếm. Cũng “thầy” cũng “tớ”, cũng “trước” cũng “sau”, có vẻ sang trọng lắm,
đi đâu một bước là có kẻ hầu người hạ, nhưng thầy, tớ của tên “khách viễn
phương” này sao mà “lao xao” chẳng có nền nếp, lễ giáo gì !
Đặc
biệt là cái cử chỉ ngồi “sỗ sàng” đường đột ở “ghế trên” thể hiện hắn là người
không biết giữ ý tứ, không biết lễ phép. Nếu là sinh viên trường Quốc Tử giám
thật, thì hắn ta rất kém sĩ hạnh. Chữ “tót” ở đây mang sắc thái khinh bỉ. Nói
như nhà phê bình Hoài Thanh “chỉ một từ “lẻn” cho Sở Khanh, chữ “tót” cho Mã
Giám Sinh, Nguyễn Du đã thâu tóm toàn bộ bản chất của nhân vật”. Ở đây tác giả
không dùng những từ ngữ trang nhã, hình ảnh ước lệ mà sử dụng từ ngữ bình dân
mang tính chất tả thực và có ẩn chứa cả thái độ mỉa mai, châm biếm, khinh bỉ của
tác giả. Cách miêu tả ở đây khác hẳn với cách khắc họa nhân vật chính diện. Chẳng
hạn một Thúy Vân:
“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”
hoặc
một Thúy Kiều:
“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Rõ
ràng nghệ thuật tả nhân vật thật linh hoạt. Nhưng có lẽ chân tướng của y qua cuộc
mua bán mới được bóc trần:
“Đắn đo cân sắc, cân tài
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ”
Những
từ “cân”, “ép”, “thử” thường được dùng khi kiểm nghiệm hàng hóa. Vậy đích thực
đây là cuộc mua bán được trá hình và qua những thao tác của y, ta phần nào hiểu
được hắn là một tên buôn người khá lọc lõi… Những chữ ấy tưởng giản đơn, lạnh
nhạt tưởng chừng như tác giả đang đứng ngoài cuộc làm nhiệm vụ quan sát nhưng
kì thực nó đã chứa đựng biết bao tình cảm xốn xang, nhức nhối của một trái tim
nhân đạo.
Lời
nói văn hoa của y cũng khôn che đậy được bản chất giả nhân giả nghĩa, tính cách
thực dụng:
“Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường”
Để
rồi cuối cùng, tác giả đã lột trần chân tướng của hắn:
“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”
Chỉ
hai từ “cò kè” và “ngã giá” đủ làm cho gã họ Mã hiện nguyên hình là một kẻ buôn
người ghê tởm. Và cũng nhờ đó, ta còn hiểu thêm được tính cách bủn xỉn của y.
Tác giả đã khép lại cảnh tượng mua bán ấy bằng những từ xoay quanh việc hỏi cưới:
“nạp thái”, “vu quy”, “canh thiếp”… nhưng cũng không quên hạ một câu mỉa mai,
chua xót:
“Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”
Đồng
tiền - bạo lực đã khiến cho bọn quan lại áp bức dân lành, đồng tiền đã làm cho
tử biệt sinh ly, thay đổi trắng đen, khuynh đảo cả một xã hội, đồng tiền đã chà
đạp lên cuộc sống và nhân phẩm của một con người. Nàng Kiều tài hoa xinh đẹp đã
trở thành hàng hóa điêu linh trước đồng tiền của tên Giám Sinh họ Mã.
3. Đánh giá chung về nhân vật
Qua
nhân vật Mã Giám Sinh, ta càng thấy rõ bút pháp hiện thực trong nghệ thuật tả
người của Nguyễn Du. Nét vẽ nào cũng sắc sảo tạo nên tính cách xấu xa, đồi bại
của nhân vật Mã Giám Sinh. Chi tiết nào cũng rất sống, đằng sau nét vẽ là thái
độ khinh bỉ của nhà thơ đối với loại người “bạc ác tinh ma” này ! Bức chân dung
phản diện của Mã có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc, lên án bọn buôn thịt bán
người vô nhân đạo, đạo đức giả trong xã hội phong kiến suy tàn, thối nát.
KẾT BÀI
Tóm
lại: “Mã Giám Sinh mua Kiều” là một trong những đoạn thơ có giá trị tố cáo đanh
thép và sâu sắc nhất trong “Truyện Kiều”. Qua nhân vật Mã Giám Sinh, Nguyễn Du
đã dựng nên một bức tranh tả thực sắc sảo giúp chúng ta thấy rõ được bộ mặt tàn
ác, ghê tởm của bọn buôn thịt bán người trong xã hội cùng với thế lực ngự trị của
đồng tiền trong xã hội bấy giờ. Đó cũng chính là thành công về giá trị tố cáo
hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
Ai
trong chúng ta lại không cảm thấy căm giận, khinh bỉ, xen lẫn nhói đau khi chứng
cảnh “Mã Giám Sinh mua Kiều”.
Charles.Hieu
“Phân tích riêng cho con, Minh Phúc”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét