Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

LÀNG THỊ MỸ TRẠCH

Xã Mỹ Trạch ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) vốn là làng Cao Lao cổ nằm bên bờ nam sông Gianh. Cao Lao hôm nay vẫn mang một không gian huyễn hoặc như trong cổ tích, vì được bao trùm bởi hơn mười ngàn cây thị mọc khắp lối đi, từ xóm trên đến ngõ dưới ở 7 cụm dân cư.

Mười ngàn cây thị

Mặc dù Cao Lao được đích danh phiên hiệu là xã Mỹ Trạch, nhưng người dân ở đây vẫn thích gọi xã của họ là cái làng nhỏ Cao Lao nằm tút cực bắc huyện Bố Trạch. Làng mảnh dài bên bờ sông Gianh, vốn là một trong những nơi người Chăm khai thiên lập địa trước đó hàng ngàn năm.

Làng Cao Lao có một thứ được người làng gọi là đặc sản duy nhất, không có ở bất cứ làng Việt nào: hơn mười ngàn cây thị. Thị mọc khắp nơi từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra đường, từ đường ra đồng.


Theo các bậc cao niên, thị ở Cao Lao có từ thời người Chăm còn sinh sống nơi đây. Trong số hơn mười ngàn cây thị ở Cao Lao, có đến hơn một ngàn cây cổ thụ có độ tuổi từ 400 đến hơn 600, có những cây ngót nghét ngàn năm như cây thị nhà ông Sính ở giữa làng, cây thị nhà mệ Bắc ở cuối làng.

Ông Hồ Sính (82 tuổi) cho biết, thị của Cao Lao có đặc tính càng cổ thụ thì càng dỏng cao, không to vệ như những cây thị độc đinh ở một số nơi khác. Người phương xa đến Cao Lao đều ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi chứng kiến quần thể thị ở đây.


Ông Sính cũng cho biết, ông được kể lại từ thân sinh rằng, rừng thị của làng trước đây từng được Nguyễn Huệ mắc võng ngả lưng trước khi vượt sông Gianh ra Bắc, quân lính cũng nhận lệnh hạ trại dưới rừng thị Cao Lao, những thớt voi, cỗ ngựa chiến cũng tắm mình trong không gian làng thị trước lúc thần tốc đi đánh giặc.

Đến nơi nào trong làng cũng chạm vào cây thị, như chạm vào một ký ức cổ tích đầy hồn nhiên. Không gian thị quyện chặt với những bậc đá đi lại trong làng cũng nhiều năm tháng trầm tích, càng làm Cao Lao đượm màu xa xưa.

Những bậc đá ong xếp thoai thoải là di sản của người Chăm. Người Việt đã kế thừa những tinh hoa của họ để sống chung với rừng thị của làng. Chính vì thế mà trải qua bao dâu bể, thị với đá ong ở làng vẫn cùng nhau sát cánh, tạo cho làng một không gian trầm tĩnh, nhẹ nhàng đến diết da.


Ai đã từng một lần vào Cao Lao, chắc chắn không thể quên được thần thái của làng, và nếu may mắn đến vào đúng mùa thị - tháng 7 Âm lịch, thì càng chẳng thể nào quên mùi thị sực nức cả một vùng quê.

Sự tích làng thị

Chuyện kể rằng, người Chăm từng sinh sống trên mảnh đất gần sông Gianh này chẳng có chút gì làm đặc sản dâng các vị vua Chăm. Họ đã kiếm nhiều giống cây quý từ các địa phương khác về trồng, nhưng cây chẳng đơm hoa kết trái.

Một hôm, có người nông dân nghèo vào rừng hái củi, bỗng nhiên ông ngửi thấy một hương vị lạ từ sâu trong rừng. Đi mãi đến mỏi chân, ông đứng trước một cây cổ thụ xum xuê trái, trái chín căng mọng, vàng óng, thơm đến lạ. Chưa bao giờ ngửi được mùi thơm như thế, người nông dân vừa bẻ một đôi trái ngửi vừa nếm, thấy ngọt, liền đưa về báo cho vị quan chủ thành Cao Lao. Vị quan lập tức cho người bứt trái để dâng vua.


Nhà vua tiếp nhận quả lạ, thích ngay mùi thơm của quả, hỏi quả gì, người Cao Lao vốn giọng quá “nặng”, đang muốn nói "Thì chưa biết quả gì" nhưng phát âm chữ "thì" thành chữ "thị". Vua Chăm nghe vậy liền gọi đó là thị.

Từ đó, người Cao Lao liền vào rừng, lấy hạt quả thị về gieo khắp làng nhằm tạo cây đặc trưng mà những làng khác không có để tiến vua.


Không biết truyền thuyết cây thị có thật hay không, nhưng thị chỉ có dày đặc ở Cao Lao mà không có nhiều ở vùng khác là sự thật. Lý giải việc này, ông Hồ Vĩnh Yên - Chủ tịch xã Mỹ Trạch nói: "Cao Lao là vùng gò đồi cao, là đất thịt có pha lẫn chút cát nên trồng được thị. Giống thị thích nơi cao ráo, nước không cần nhiều nhưng phải thoáng. Rứa nên khắp vùng Quảng Bình chẳng có nơi nào nhiều thị như quê tui".

Cao Lao hôm nay có nhiều cây thị thân phải hai vòng tay người ôm mới hết. Có những cây đến 4 người ôm hiện còn sống giữa vườn nhà ông Cao Viết Thiếu, Nguyễn Trọng Chiến, Hồ Xuân Đỡi...


Thị cổ thụ hiện vẫn là niềm tự hào của người dân Cao Lao. Đến mùa thị chín, người làng hái trái đi bán. Bán không kịp, thị chín rụng đầy, họ thu dọn và đổ vào góc vườn, cứ thế thị lại được sinh sôi.
cay thi, cây thị, thị vàng, thị cô tấm, tấm cám, diospyros decandra lour, vifa, vifafair, vifa fair, vifahome, vifa home, trung tam phan phoi noi that, ads, con nguoi viet nam, cổ tích, hawa, hawa corp, hawa corporation, hội chợ đồ gỗ, furniture wood, lifestyle, catalogue

3 nhận xét:

  1. Hương trái thị, lâu lắm rồi, 30 năm có chưa được nghe lại vị hương thơm trái này, nhờ bài viết mới được nhìn lại hình ảnh trái thị, tuổi thơ, nhớ da diết ...

    Trả lờiXóa
  2. Sang bạn hiểu thêm nhiều điều thú vị về một vùng đất cổ

    Trả lờiXóa
  3. Nhìn quả thị mình nhớ ông nội quá. Ông đi lúc mình 12 tuổi, bây giờ mình đã 32 tuổi rồi. Thương nhớ những kỷ niệm xưa.

    Trả lờiXóa