Tôi sinh ra trong một gia đình giàu có, từ hồi bạn
bè tôi còn được ba mẹ chúng đèo trên những chiếc Honda, Dream hay Wave cũ thì
tôi đã được ngồi chễm chệ trên chiếc Chevrolet Captiva. Lúc ấy tôi sung sướng,
tự hào và cũng tự mặc định cái tư tưởng “Việc quái gì phải lo cho tương lai, vì
cái tài sản kếch xù ấy sớm muộn gì chả là của mình”…Những đêm nhậu nhẹt, những
lần đi bar vì chán cảnh đi về trong căn nhà lạnh lẽo ấy. Ở cái độ tuổi 16, 17
lúc đó tiếng nhạc xập xình, tiếng leng keng của những lần chạm chén, tiếng rồ
ga trong đêm tối là thú vui của tôi. À thì ba mẹ tôi còn bận, bận trông nom cho
cái cơ ngơi to bự ấy kia mà…Tôi bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên răn của ba
mẹ, người thân tôi ghét khi bị nói con phải làm thế này, thế nọ.
Cho tới một lần từ trường trở về, quần áo xộc xệch,
mặt mày thâm tím vì “trận chiến” hồi nãy với thằng cùng khối. Chưa kịp vào nhà
thì một người đàn ông bước ra kéo tay tôi lên chiếc xe máy đời cũ của ông ấy.
Chắc tại vì “mất sức” tôi không chống cự, không tỏ ra bực bội mà chỉ ngồi yên
sau xe. Xe dừng lại trước 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh) đọc tấm biển “Trung
tâm Bảo trợ Trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè” tôi mới tự nhủ: “Chậc ! Sao lão già
này lại lôi mình tới đây nhỉ ? Rõ ràng mình còn đủ tay đủ chân, ba mẹ thì vẫn sống
sờ sờ ra đấy mà !”
Chưa kịp nói gì đám con nít đứa sứt môi, hở miệng,
đứa cụt tay, đứa chân đi khập khiễng, rồi có cả những đứa ngồi xe lăn vẫn cố dồn
hết lực vào đôi tay để xe “lăn” tới không biết từ đâu chạy tới đã láo nháo “A !
Thấy Hiếu ! Thầy Hiếu tới kìa tụi bây ơi !”
Đứa cầm tay, đứa ôm chân, đứa léo nhéo câu gì trong
cổ mấy câu như trách móc “Sao lâu nay thầy không tới?”. Tôi đứng như trời trồng,
chôn chân tại chỗ vài giây thì có đứa tầm trạc tuổi em gái tôi ở nhà khẽ nhìn
tôi mỉm cười rồi bảo:
- Anh qua đây chơi với tụi em !
Tôi lẽo đẽo theo nó tới mảnh sân khá rộng sau chỗ
trung tâm. Mới đầu còn ái ngại nhưng rồi tôi cũng nhanh chóng bắt nhịp, chúng
tôi cùng nhau chơi đùa, cùng hát hò, cùng vẽ tranh…Lúc ra về, có đứa dấm dúi
vào tay tôi một mẩu giấy nhỏ ghi dòng chữ đầy nắn nót “Anh đừng đánh nhau nữa
nghen !”. Tôi giật mình, hóa ra lúc chơi đùa cùng tụi nhỏ, nhìn thấy nụ cười,
ánh mắt lấp lánh tôi đã quên mình đã là một thằng “côn đồ” như hàng xóm hay gọi…
Bỗng chốc tôi thấy mình sai, cái sai rất rõ ràng mà bấy lâu nay tôi không hề nhận
ra.
Trước khi về người đàn ông đó có nán lại nói chuyện
cùng tôi, thì ra đó là một thầy giáo, vô tình biết được hoàn cảnh của tôi mà thầy
đã đề nghị được giúp đỡ. Thầy bảo “Thầy muốn con đi những chỗ như thế để thế cuộc
đời này vẫn còn đáng sống lắm !”
Đêm đó, lần đầu tiên sau mấy năm trời tôi có mặt ở
nhà vào 9 giờ tối, tôi suy nghĩ thật nhiều, hình ảnh những ánh mắt vô tư, hồn
nhiên, những giọng cười trong trẻo cứ chập chờn trong trí óc.
Từ đó thay vào những buổi chiều la cà quán game, những
tối vũ trường tôi lại cùng thầy lúc thì trại trẻ mồ côi, lúc lại sang trung tâm
bảo trợ trẻ em khuyết tật, lúc lại tới bệnh viện thăm mấy bệnh nhân nghèo… Cầm
trên tay những gói quà, những hộp cơm nhỏ tôi không ngừng tự hỏi sao cuộc sống
này ý nghĩa, tốt đẹp như thế này sao mãi bây giờ tôi mới kịp nhận ra ?
Cuộc sống không là màu hồng, quá trình “hoàn lương”
của tôi cũng chẳng hề giống như trong phim chỉ chớp nhoáng đã hiện lên dòng chữ
“2 năm sau” mà cũng có những khi tôi chán nản, thất vọng khi bị người ta chỉ trỏ
“Để chống mắt lên xem nó làm nên tích sự gì”, cũng có những khi đám bạn chơi bời
ngày xưa chặn đường, cạnh khóe, cũng có những khi tôi mơ hồ lại đi vào con đường
cũ. Nhưng cũng chính lúc ấy bên tôi luôn có thầy, cho tôi những sự lựa chọn và
cái giá trong từng sự lựa chọn đó. Tôi hiểu mình cần phải làm gì !
Giờ đây khi lỗi lầm dần được quên lãng, nỗi buồn được
thay thế bằng sự sẻ chia và yêu thương tôi có thể tự hào rằng tôi đã khôn lớn,
đã trưởng thành.
Có một cô bạn đã hỏi tôi: “Để nói về thầy, cậu sẽ
nói gì ?”
Tôi chỉ vỏn vẹn đáp: “Tốt !”
Đúng là giữa trăm ngàn tính từ hoa mĩ, tôi chẳng
tìm được từ nào khác có thể mô tả đầy đủ, chính xác về con người thầy. Không hẳn
thầy quá cao siêu hay vĩ đại nhưng thầy đã giúp tôi phân biệt được rạch ròi thế
nào là người tốt, thế nào là người xấu khi mà cuộc sống còn đầy rẫy những điều
nhập nhằng,trắng-đen, giả-thật lẫn lộn thì tôi vẫn tin chắc rằng có một người
thầy vẫn âm thầm đưa các em từ “xấu” để về “tốt”.
Viết về Thầy - thầy Đào Xuân Dũng Hiếu - của tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét