Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

LIÊN KẾT: LỢI ĐỦ ĐƯỜNG

Vifa - Kênh tiếp thị hiệu quả của các doanh nghiệp chế biến gỗ,
thủ công mỹ nghệ và thương mại. 

“Tại các hội nghị đã nói nhiều, thế nhưng câu chuyện liên kết để cho ra đời trung tâm phân phối nội ngoại thất đến nay mới thành hiện thực” - ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, hồ hởi cho hay.

Câu chuyện kinh doanh

Đó là sự kết hợp giữa 12 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ được đánh giá đứng đầu trong ngành của hai hội xuất khẩu gỗ, mỹ nghệ lớn nhất cả nước là TP.HCM và Bình Dương để cho ra đời Trung tâm phân phối nội ngoại thất ADS - Safurni tại đường Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM).

Thực tế, ý tưởng các doanh nghiệp gỗ, mỹ nghệ phải liên kết để tạo ra kênh phân phối đủ lớn, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đã có từ lâu. Thậm chí có một số nhóm nhỏ từng liên kết nhưng chỉ dừng lại ở tên gọi, lập kế hoạch chứ chưa có những hoạt động thực tiễn. Giai đoạn hiện nay, đầu ra xuất khẩu ngày càng khó khăn do nhu cầu thị trường giảm cùng sự cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp xuất khẩu VN luôn tự hào khi sản phẩm chất lượng tốt, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật... đạt trên 4,5 tỉ USD năm 2012 - đứng đầu các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên “miếng bánh” không nhỏ là thị trường trong nước với trên 3 tỉ USD/năm lại đang bị sản phẩm của các quốc gia khác chiếm lĩnh. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hàng đầu phải ngậm ngùi thừa nhận doanh nghiệp VN không hiểu thị hiếu người tiêu dùng trong nước bằng những doanh nghiệp nước ngoài.

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại Trung tâm phân phối nội ngoại thất ADS - Safurni
của liên minh các nhà sản xuất nội ngoại thất xuất khẩu.
Với không gian gần 1.000m2, Trung tâm phân phối nội ngoại thất ADS - Safurni được bài trí ấn tượng theo không gian sống phù hợp thiết kế của các hộ gia đình với đầy đủ sản phẩm bàn ghế, kệ bếp, giường tủ, đồ trang trí, chăn drap gối nệm...

Ngay trong ngày ra mắt trung tâm, chị Dương Thị Lan (ngụ đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình) sau khi đảo quanh một vòng xem sản phẩm đã phải thốt lên: “Sao giá bán rẻ quá vậy!”. Chị không khỏi ngạc nhiên khi bộ bàn ăn sáu ghế làm bằng gỗ sồi chắc nịch, mẫu mã hiện đại chỉ với giá 12 triệu đồng. Theo chị Lan, sau nhiều lần tham khảo giá tại các trung tâm nội thất khác, một bộ bàn ghế tương tự có giá ít nhất cũng từ 15 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, những bộ bàn ghế Trung Quốc tại tuyến đường Ngô Gia Tự có giá “mềm” hơn chút đỉnh nhưng chủ yếu làm từ gỗ tạp, ván ép và mặt kính.

Bà Đỗ Thị Kim Loan, tổng giám đốc Công ty gỗ Sao Nam (Bình Dương), cho biết đơn vị nhận thấy sức hấp dẫn của thị trường nội địa sau nhiều lần tham gia các hội chợ triển lãm trong nước. Tuy nhiên, mở hệ thống showroom, cửa hàng để bán lẻ sản phẩm của mình sẽ rất rủi ro bởi chi phí đầu tư hệ thống bán lẻ như mặt bằng, nhân viên, vận chuyển, bảo hành... quá cao. Trong khi đó nếu đứng một mình, sản phẩm của đơn vị cũng không thể có đủ sự đa dạng về mẫu mã thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thay vì sản xuất với số lượng lớn, giao hàng nhận tiền ngay, các doanh nghiệp đồ gỗ, mỹ nghệ xuất khẩu khi quay lại thị trường nội địa phải sẵn sàng tâm lý nhặt nhạnh từng đồng. Thay vì làm hàng theo mẫu mã có sẵn từ đối tác, các doanh nghiệp phải thăm dò thị hiếu người tiêu dùng để thiết kế những sản phẩm phù hợp... Các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để khắc phục những hạn chế trong khâu phân phối, phát triển sản phẩm, thương hiệu mà khởi đầu là việc liên kết với nhau. Quay lại và chiếm lĩnh thị trường nội địa đầy tiềm năng đòi hỏi sự đầu tư đúng hướng và bền bỉ. Đây hẳn không phải nơi đơn thuần để các doanh nghiệp làm ăn chớp nhoáng, tranh thủ đẩy hàng tồn.

___ Lê Sơn ___

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét