Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

RUỐC THỊ LÀ GÌ HẢ MẸ ?


(Xin được đăng lại bài của bác Hải.)

Ý tưởng làm ruốc thịt, được các bạn nữ Thành viên Chương trình Áo ấm biên cương (AABC) đưa ra và thực hiện ngay tức thì, khi mình cùng vài bạn đi khảo sát điểm Trường Háng Gàng (Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái) và chứng kiến cảnh lũ trẻ con lít nhít Mầm non - Tiểu học của điểm Trường lưng chừng núi này, câm lặng - nhẫn nhục ăn trưa cơm không với muối trắng, thêm túi măng ớt của con Trưởng bản.

Hôm trước khi AABC mang đồ ấm, đồ no lên Pá Hu, số ruốc thịt được bạn Cẩm Hà chuyển từ Sài Gòn ra, cùng số của các chị em Thành viên mang đến, lên đến vài chục hộp, để gọn gàng cùng với cá cơm, nước mắm, dầu ăn, mì tôm, nồi niêu xoong chảo, rổ rá... chia ra từng điểm Trường, cho từng học sinh - giáo viên.

Vẫn biết thực tế bữa ăn của bọn trẻ thảm thương thế đấy, nhưng chỉ đến khi ngồi xe máy vượt núi, băng suối rồi lại đi bộ chồn chân, trèo lên tới điểm Trường, được chứng kiến bữa ăn của bọn trẻ, những Thành viên tham gia chuyến đi, mới thực sự... thẫn thờ vì không ngờ, bữa ăn của bọn trẻ, có khi chả bằng được cái thời "ăn lông ở lỗ", người tiền sử ngày xưa...

Điểm Trường Tà Tầu cheo leo, hết con đường mòn, đặt chân lên dãy bậc đá trơn nhẫy là khoảnh sân bé tý cỡ vài cái chiếu.

Hôm nay, biết có khách là tụi mình và lãnh đạo huyện, Phòng Giáo dục lên thăm, cô giáo bấm bụng mở túi, lấy mấy con cá khô và gói mì tôm trong suất ăn tuần của mình, kho mặn cá, chia đủ mỗi đứa 1 con cá cơm, bé bằng đầu đũa và nồi mì tôm lõng bõng toàn nước là nước, không 1 chút rau - hành - cà chua, làm thành canh cho bọn trẻ ăn trưa...

Không phải với món quen thuộc: Muối trắng, nên bữa trưa của bọn trẻ, hào hứng và nhanh gọn đến không ngờ.

Tay cầm thìa, tay giữ khư khư con cá khô kho mặn chắt, mấy miếng cơm mới cắn 1 tý cá, gượng nhẹ như thể cầm kim cương.

Vừa ăn cơm, mút cá vừa cắm mắt vào nồi nước mì tôm và lau nhau xin mấy vớt mì, muôi nước lờ nhờ màu vàng của gói gia vị thực phẩm trong gói mì, cũng mặn chát...

Đừng trách các thầy cô mà tội nghiệp: Họ cũng bỏ tiền túi ra, mua từ hạt muối cho trẻ đấy. Ngay gói mì tôm, cũng là đồ ăn của cô, mang từ thị trấn lên và họ đâu có thể tự mình nuôi trẻ, ngày này qua ngày khác, kìn kĩn bao nhiêu năm, trong khi họ cũng phải nuôi thân, nuôi ngay con đẻ của mình, đang lúc lắc sau lưng?..

Ở điểm Trường Pá Hu, ngược xa tít thăm thẳm núi cao, từ lưng chừng giữa bản Tà Tầu, phải đi bộ từ chỗ dừng xe máy vào gần km, bùn ngập đầy bàn chân mới đến chỗ lũ trẻ ăn ở cả ngày, trong căn nhà gỗ nằm giữa hõm núi.

Trời lạnh đến 8 độ C, cô giáo bảo: "Hôm nay thế là ấm quá rồi đấy!" và chỉ đống lửa trong lớp, ngoài sân , giải thích: "Từ hồi vào vụ rét, chúng nó chỉ chơi loanh quanh gần 2 đống lửa, lạnh quá chả chạy ra ngoài, nên cũng nhàn!".

Vào lớp học, đủ 57 đứa lít nhít Mầm non ngồi im phăng phắc, tay kẹp giữa chân, ngồi dày chi chít trên chiếc chiếu mỏng, trải trên nền đất. Đứa nào cũng "đồng phục" giống nhau: Chân đất, áo mỏng, đầu trần và mặt mũi nhem nhuốc.

Đến giờ ăn trưa, 57 đứa lít nhít vẫn ngồi im thin thít tại chỗ, chờ các cô lấy cặp lồng cơm mà chúng lũn cũn xách từ nhà đi từ sáng sớm, đọc tên ghi trên nắp.

Đến tên đứa nào, đứa ấy giơ tay, nhận lại cặp lồng và tự mở nắp, tự lấy thìa, ngồi trệu trạo, xúc ăn ngon lành.

Tò mò nhìn khắp lượt cặp lồng, lại thở hắt ra vì toàn... cơm không, ăn với tý bột canh các cô xúc ra từ trong lọ của chính các cô.

Trong 57 đứa, duy nhất 1 đứa có 1 mẩu đùi gà bé tí xíu, để cả cơm và miếng be bé đó trong túi ni lông đen xỉn; 3 đứa có mấy miếng măng luộc, để trên nắp; 3 đứa có cá khô ăn thêm và 2 đứa có mấy miếng thịt lợn, mỡ đóng đông trắng bệch. Cô giáo bảo: "Nhà mấy bạn này, hôm qua có đám hiếu!"...

Dĩ nhiên, cái sự rầu rĩ - trệu trạo của bọn trẻ biến mất ngay tức thì, khi những lọ ruốc thịt được chia đến từng bát và nước mắm Nha Trang được rót ra, thơm nức căn nhà lạnh.

Chúng nó nuốt nước bọt ừng ực, mắt sáng quắc và ăn thun thút, như chưa bao giờ được ăn. Khổ nỗi, ruốc thịt vụn tơi không cầm được như cá, nên đứa nào cũng để gọn vào góc bát, ăn hết cơm rồi mới cẩn thận nhút từng sợi, đưa vào miệng, như thể những sợi thịt mỏng mảnh, chậm tan biến...

Cơ khổ! 20 cân ruốc, mấy chục cân cá khô - nước mắm mà chia cho 5 điểm Trường, với gần 300 đứa học sinh bán trú - nội trú, hỏi được mấy bữa?. Có khi tụi mình đi khỏi rồi, tụi nhỏ lại trách móc: "Quen ăn với muối chả sao, tự dưng lại mang thịt cá đến, làm đầu lại nhớ, khó quên!"...

Dọc đường về, cô bé mới lần đầu tham gia chuyến đi, hỏi cô giáo đưa Đoàn lên điểm Trường: "Sao không nuôi lợn, nuôi gà cải thiện bữa ăn cho trẻ con?", khiến cô giáo nhìn chằm chằm như người hành tinh khác: "Đến gạo, ngô cho người ăn còn thiếu, nuôi được gì?" và thở dài: "Giá ở vùng này còn rừng, còn cây và còn chuột, như hôm rồi VTV phát sóng về học sinh Sơn La, bọn em cũng đỡ xót, vì ít nhất học sinh còn biết được mùi thịt động vật!"...

Mình chợt nhớ đến câu ca dao của các cụ ngày xưa: "Cơm ăn mỗi bữa một lưng. Uống nước cầm chừng để dạ thương em", liên tưởng: Đời nào, kiếp nào, ngày nào cũng 1 lưng cơm với nước suối và muối trắng, liệu có còn sức để mà sống, tồn tại không, nữa là thương với nhớ, anh với em?..


Tây Bắc đẹp xinh, bao năm qua vẫn lay lắt sống như thế, để mà nhớ mà thương, đầy trên đầu môi, lời hát, câu văn, người nhỉ?..

.....................................................................................................








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét