Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

CHỈ DÀNH CHO GIẢI TRÍ

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ TRỜI (Phần 1)


Truyền thuyết "Thánh Gióng" thì ai cũng biết rồi nhưng muốn kể lại cho vui. Dùng lối viết nôm, ít dùng từ Hán Việt nên có vẻ thô thô. Hư cấu hư véo thêm tí cho có mầu chuyện kể. 

Ngày xửa ngày xưa…

Đời Hùng Vương thứ sáu. Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.

Lúc bấy giờ, dân nước ta đang thuở sơ khai. Chữ Hán cũng chưa vào nước ta được bao nhiêu, đạo Khổng chưa ra đời, thế giới không bị ràng buộc bởi quân sư phụ… Người dân sống bởi cái tình là chính, còn cái lý cũng rất mực giản đơn: “Nói đúng cái thúng phải nghe”. Nói chuyện với nhau chả kể gì quan tước, vai trên vai dưới… gọi nhau vẫn “mày tao” như dân nước ngoài thời hiện đại.

(Sở dĩ phải giải thích như vậy để mọi người đừng trách người kể chuyện hay nói bậy nói bạ mà không theo phép tắc.)


Ở làng Gióng thuộc bộ Vũ Ninh có một đôi vợ chồng đã già, sống lương thiện mà vẫn chưa có con nối dõi. Hai ông bà rất lấy làm buồn phiền.

Giời thấy vậy thì thương. Nhân có một tướng nhà giời mắc lỗi, Giời bèn trừng phạt bằng cách cho xuống trần đầu thai nhà ấy để sau này lập công chuộc tội.

Người vợ già một hôm ra vườn cà thấy có dấu chân to bằng mười dấu chân người thường. Lạ quá! Sao lại có người to thế? Bà ta bèn cho chân mình vào ướm thử.

Khi đặt bàn chân mình vào cái dấu chân to đùng kia chợt thấy trong người rạo rực, lòng xuân lai láng như thuở còn mười tám đôi mươi.

Bà ta vội vàng về nhà, thấy ông chồng già đang ngồi ngoài sân cởi trần, dạng chân đan rổ, khố dây lỏng lẻo vắt sang một bên, bà lão càng rạo rực bội phần… Vội lôi thốc ông chồng vào buồng, cởi bỏ xống áo của mình, giật cái khố dây của ông lão… rồi vòng tay ghì riết…

Lúc thỏa mãn cơn dục tình, buông tay ra thì ông lão đã ngoẹo cổ, sùi bọt mép…

Bà không dám khóc to. Bảo rằng ông bị phải gió. Làng xóm xót thương giúp đỡ chôn cất ông chồng chu đáo.

Cũng từ hôm ấy bà lão có thai. Chín tháng mười ngày vẫn không thấy đẻ. Mọi người bảo là chửa trâu. Rồi đến mười hai tháng thì bà đẻ được một con giai đặt tên là Muộn.

Muộn đẻ ra mà không biết khóc. Rồi ba tháng, năm tháng, mười tháng không biết cười… hơn năm giời cũng chẳng u ơ lấy một tiếng, mọi người bảo là câm. Suốt ngày chỉ nằm mút tay, chân khua loạn xạ.

Bà già mải đi làm, để thằng bé Muộn nằm một mình ở nhà. Mũi rãi nhoe nhoét, ruồi nhặng bu đầy mặt.

Lúc bấy giờ giặc Ân phương Bắc lăm le xâm lược nước ta. Vua Hùng hoảng sợ bèn gọi các tướng lại họp bàn. Nhưng khổ một nỗi các tướng (lúc bấy giờ gọi là Lạc tướng) toàn con ông cháu cha chỉ giỏi đội mũ đeo râu ra oai với thiên hạ, chứ nghe đến đánh trận thì mặt xanh như đít ngóe. Vả lại lúc đó tướng nhiều hơn quân. Tất cả các tướng đồng thanh rằng phải án binh bất động.

Vua lại gọi các quan (gọi là Lạc hầu) đến hiến kế, các quan thảy đều lo sợ nếu đánh giặc thì nhà cao cửa rộng của mình tan hoang, đất cát tiền bạc mất hết, việc mua quan bán tước bị đình hoãn… Vậy nên đồng lòng tâu vua xin hòa để giữ ghế, để tiếp tục tham nhũng sách nhiễu dân lành.

Vua nghe theo quan tướng, cho người đem lễ vật sang triều đình nhà Ân xin làm chư hầu để được phong vương. Bọn giặc Ân được thể càng lộng hành. Nó sang giả vờ thuê đất thuê rừng, lấn biển… đưa người của nó vào làm rồi bóc lột thẳng tay người Văn Lang. Nham hiểm hơn bọn giặc còn đưa người khai khoáng mỏ vàng, mỏ bạc… bọn này dụ dỗ con gái Văn Lang nhẹ dạ, giả vờ lấy làm vợ để đồng hóa người nước ta và dễ bề vơ vét của cải. Hàng đoàn người ngựa kìn kìn chở vàng về phương Bắc mà vẫn không hết của. Bọn giặc lại bí mật đào hầm chôn giấu vàng bạc rồi dụ dỗ mua các thiếu nữ đồng trinh chôn sống làm thần giữ của đợi đời sau con cháu sang lấy. Dân Văn Lang biết hết, họ đã trình báo lên các quan nhưng bọn quan tướng Văn Lang chỉ biết giương mắt ếch ra nhìn mà không dám ho he phản đối dù chỉ một nhời…

Dân tình vô cùng bực bội. Các bậc kỳ mục trong làng ngoài xã tập hợp từng đoàn phản đối. Vua nhà Ân bắt vua ta và các quan tướng phải thẳng tay bắt bớ đánh dẹp. Rồi còn bắt vua loan báo rằng việc chống giặc là việc của triều đình. Cấm chỉ dân đen manh động. Đứa nào làm trái thì bắt chém.

Đã vậy triều đình còn bắt dân nay phải mở lễ hội mừng vua, mai phải mở tế lễ các thánh thần phương Bắc. Dân lại phải bỏ việc đồng áng để tập trung rước sách rất là vất vả. Người già cũng chẳng được tha.

Bà mẹ cậu bé Muộn mặc dù đã già vẫn phải đi làm nghĩa vụ với vua, với vua Ân đất Bắc. Cậu bé Muộn thường bị bỏ đói. Muộn ta nằm một mình đập chân thình thịch xuống chõng tre, rồi tự dưng mở miệng u ơ hét váng cả nhà. Chợt có một con nhặng vo ve bay đến đậu vào mang tai bảo:

- Mày khôn hồn thì nằm im. Mày mà nói bây giờ là mày phải chết đấy!

Thì ra Muộn biết nói chứ không phải là câm như mọi người thường nghĩ. Còn con nhặng chính là Thổ thần.

Cậu bé Muộn đành thì thầm chỉ đủ cho con nhặng nghe thấy:

- Sao tao lại không được nói!

- Mày nằm ở đây không biết. Mấy người đòi chống giặc, nhà vua bắt hết rồi. Mày mà nói ra, vua nó sai người đến cho một nhát thì xuống âm phủ, rồi thì không có cơ hội lập công chuộc tội với giời đâu. Cứ nằm im đấy mà đợi.

- Vậy lúc nào mới được nói?

Thổ thần nói:

- Bao giờ tao bảo mới được nói.

Muộn lại nằm mút tay ngẫm ngợi. Rồi lại hỏi:

- Vậy nhỡ giặc nó đánh ngay sang đây thì sao.

Thổ thần bảo:

- Từ thuở Lộc Tục Kinh Dương Vương đến nay, giữ được nước giữ được đất là nhờ dân. Nay bọn vua quan triều đình bảo để chúng nó lo. Có mà lo được cứt! Cái lũ hèn này chỉ giỏi bắt nạt dân lành.... Mày cứ nằm im đấy đã, để chúng nó biết thân. Rồi chúng nó sẽ trắng mắt ra. Lúc bấy giờ mình đứng dậy cũng chưa muộn. Nhớ nhá! Cứ nằm im. Tức mấy cũng không được nói.

Thổ thần dặn vậy rồi bay đi. Muộn ta lại nằm mút tay ngẫm ngợi. Từ đấy giở đi không u ơ gì nữa. Mọi người vẫn bảo là câm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét